Cần có chế tài trường hợp lợi dụng việc đấu giá vào mục đích riêng, câu kết, kéo dài, làm lãng phí tài nguyên, lãng phí chi phí, công sức tổ chức đấu giá.
Sở TN&MT TP.HCM vừa kiến nghị nếu cá nhân, tổ chức chậm nộp tiền khi đã trúng đấu giá thì sẽ bị hủy kết quả trong dự thảo Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP.
Dự thảo đang được trình UBND TP xem xét thông qua.
Mạnh tay với chuyện câu kết, phá hoại
Sở TN&MT TP.HCM cho biết theo Điều 39 Nghị định 17/2010, tại cuộc đấu giá, nếu người được công bố mua tài sản bán đấu giá mà từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề (với điều kiện giá liền kề cộng với tiền đặt cọc không thấp hơn giá đã trả của người từ chối mua). Trong trường hợp người trả giá liền kề cũng không đồng ý mua thì cuộc đấu giá coi như không thành.
“Nhưng với tình huống người mua được tài sản đấu giá không từ chối mua tại cuộc đấu giá mà sau đó mới có văn bản từ chối mua thì không có trong quy định hướng dẫn cách xử lý” - Sở TN&MT báo cáo.
Ngoài ra còn có tình huống: “Khi đến hạn thanh toán, đối tượng trúng đấu giá không nộp tiền theo đúng thời gian quy định, cũng không có văn bản từ chối mua. Việc này làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá. Cụ thể như khu đất số 23 Lê Duẩn” - Sở TN&MT cho biết.
Để chống tình trạng các đối tượng tại cuộc đấu giá thông đồng câu kết hoặc có vấn đề tiêu cực trong việc từ chối mua, Sở TN&MT kiến nghị trong trường hợp người trúng đấu giá từ chối mua thì sẽ hủy kết quả đấu giá (nếu TP đã phê duyệt kết quả công nhận trúng đấu giá) hoặc thông báo đấu giá không thành (nếu TP chưa phê duyệt kết quả công nhận trúng đấu giá). Trong hai tình huống này, người trúng đấu giá mà sau đó lại từ chối mua sẽ bị mất khoản tiền cọc đã nộp tại cuộc đấu giá.
Mạnh tay hơn, Sở TN&MT đề xuất hủy kết quả trúng đấu giá nếu đối tượng trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày tổ chức đấu giá. Cơ quan, tổ chức đấu giá phối hợp với cơ quan thuế trả lại khoản tiền đã nộp nếu có (không tính lãi suất) cho người trúng đấu giá. Riêng khoản tiền đặt cọc tại cuộc đấu giá thì không được hoàn lại.
“Cần thiết có chế tài để xử lý các trường hợp lợi dụng việc đấu giá vào mục đích riêng, câu kết, kéo dài, cố ý chậm trễ, làm lãng phí tài nguyên, lãng phí chi phí, công sức tổ chức đấu giá, tránh khiếu nại, khiếu kiện” - Sở nhận xét.
Công ty trúng đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM phải nộp
thêm gần 264 tỉ đồng do chậm nộp tiền trúng đấu giá. Ảnh: CẨM TÚ
Quy đấu giá về một mối
Cũng tại tờ trình, Sở TN&MT thống nhất kiến nghị của Sở Tư pháp chọn Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP là đơn vị duy nhất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Các sở nhận xét đây là đơn vị bán đấu giá chuyên nghiệp của Nhà nước đã hoạt động nhiều năm, nhiều kinh nghiệm, nhiều nhân lực. Việc giao cho đơn vị này tổ chức đấu giá đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, tuân thủ đúng trình tự thủ tục, chống thất thoát tài sản nhà nước.
“Tại một số địa phương khác, việc giao cho các doanh nghiệp khác bán đấu giá loại tài sản này đã gây thất thoát tài sản cho Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp sai sót về nghiệp vụ, thông đồng dìm giá, thậm chí bỏ trốn” - Sở Tư pháp báo cáo. Trong khi đó tại TP, Trung tâm Bán đấu giá TP trong thời gian qua phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công việc này.
“Sở Tư pháp chưa từng nhận được khiếu nại, tố cáo hay thông tin gì về việc trung tâm thực hiện không tốt công việc” - Sở cho hay.
Theo quy định, TP với tư cách là chủ sở hữu có quyền chọn đơn vị tổ chức đấu giá. Các sở cho hay đầy đủ cơ sở pháp lý để TP chọn đơn vị này thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp TP giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Bị phát sinh gần 264 tỉ đồng do chậm nộp tiền
Ngày 23-6-2015, khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM được tổ chức bán đấu giá. Sau 16 vòng đấu giá và 76 bước giá, Công ty Tân Hoàng Minh giành thắng lợi với mức giá 1.430 tỉ đồng, loại hai đối thủ nặng ký khác. Mức giá này gấp 2,6 lần giá khởi điểm và cao nhất tại các phiên đấu giá từ trước đến nay.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tính đến cuối năm 2016, Công ty Tân Hoàng Minh đã hoàn tất việc nộp số tiền 1.430 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chậm nộp theo tiến độ nên số tiền chậm nộp đã phát sinh gần 264 tỉ đồng.
Ngày 13-1, Sở Tài chính có văn bản yêu cầu công ty này khẩn trương nộp hết số tiền chậm nộp nói trên thì mới được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính, làm cơ sở cho việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê và công trình xây dựng trên đất.