Không ít chủ đầu tư địa ốc bán suất ngoại giao cho đối tác bị nợ tiền hoặc sau một thời gian bị gây sức ép để trả nhà và rút lại số tiền đã đóng.
Theo một chủ đầu tư lớn tại Hà Nội, trước khi dự án được chào bán đã có một số căn đẹp dùng làm suất ngoại giao cho đối tác. Các căn này có mức chiết khấu từ 5-10% giá trị. Thế nhưng, hầu hết người mua ưu đãi đều xin chủ đầu tư nộp tiền chậm hơn so với tiến độ của các khách mua khác.
Vị này cho hay: "Có những người đến khi dự án xây dựng xong phần hạ tầng rồi nhưng vẫn không chịu nộp tiền, nhưng nhất định không muốn trả lại chủ đầu tư căn hộ. Trong khi đó, rõ ràng là với nhóm khách hàng này, doanh nghiệp không thể áp dụng biện pháp phạt chậm nộp hoặc thu hồi lại sản phẩm".
|
Sau khi bán suất ngoại giao cho đối tác, không ít chủ đầu tư bị nợ tiền hoặc bị khách gây sức ép trả lại nhà, rút tiền đã nộp. Trong ảnh: Một dự án từng có rất nhiều suất ngoại giao được rao bán nhưng hiện mới có số ít được triển khai. (Ảnh: Nguyễn Hà) |
Trên thực tế, không ít khách hàng mua suất ngoại giao đã gửi các sàn giao dịch địa ốc thông tin căn hộ để bán lại, hưởng chênh. Thậm chí, nhiều người đã gửi lại chính đơn vị kinh doanh của chủ đầu tư.
Theo vị đại diện doanh nghiệp: "Khi đó, nhân viên của chúng tôi lại mải đi bán suất ngoại giao do có giá ưu đãi hơn, cạnh tranh với những sản phẩm của chính chủ đầu tư, tạo ra sự nhiễu loạn trên thị trường. Người mua thì cho rằng chủ đầu tư đang tạo chiêu trò để cắt lỗ, họ cứ chờ giảm thêm mới mua".
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư sau khi nhận được tiền đặt cọc/tiền mua căn hộ của khách mua suất ngoại giao nhưng sau đó chính người mua xin trả suất ngoại giao, rút lại tiền đã nộp.
Lãnh đạo một chủ đầu tư lớn chia sẻ: "Ban đầu họ dùng đủ các mối quan hệ để mua bằng được một căn suất ngoại giao, sau này lại năn nỉ để xin trả lại và rút tiền. Đơn giản là họ rao bán một thời gian với giá chênh cao nhưng không được. Với những trường hợp này, dù không muốn nhưng chúng tôi cũng phải nhận lại nhà và trả lại tiền".
Có trường hợp khách hàng nhờ các mối quan hệ để mua mua căn ngoại giao tại dự án bất động sản nhưng khi thấy việc bán lại gặp khó thì tới gặp lãnh đạo của chủ đầu tư xin rút lại tiền. Tuy nhiên, do đã gần ngày bàn giao nên khách hàng bị từ chối. Điều đáng nói là, chủ căn hộ lại tung những thông tin bất lợi và xúi giục người mua khác gây khó dễ cho chủ dự án. Họ liên tục dọa căng băng rôn, gửi đơn khiếu nại trong trường hợp chủ đầu tư không tạo điều kiện để rút vốn về.
Lãnh đạo một sàn giao dịch nhà đất cho biết, lý do dẫn tới thực trạng nêu trên một phần vì căn ngoại giao không còn là hàng hiếm, giá hời như trước đây. Không ít chủ đầu tư giới thiệu suất ngoại giao cho đối tác song thực chất ưu đãi ít. Chưa kể, trên thị trường xuất hiện quá nhiều sản phẩm mạo danh là suất ngoại giao nên khách hàng không còn tin vào mức độ ưu đãi mà chủ đầu tư quảng cáo.
Khi gõ cụm từ "bán suất ngoại giao căn hộ" trên một công cụ tìm kiếm lập tức có gần 22 triệu kết quả. Trong khi đó, cụm từ "bán suất ngoại giao đất nền" cho ra hơn 17 triệu kết quả. Kết quả này phần lớn là các mẫu tin rao bán suất ngoại giao, loại hình bất động sản mà khách mua thường nghĩ có thể dễ mua hời. Tuy vậy, một lãnh đạo sàn cho hay, trong số đó phân lớn là các suất ngoại giao được môi giới nhà đất "tự phong" để hút khách.
Một môi giới cũng cho biết: "Suất ngoại giao bất động sản hiện nay không còn hấp dẫn như chục năm trước bởi đôi khi "vàng thau lẫn lộn", không phân biệt được là hàng ưu đãi thật hay là hàng ế". Thời gian gần đây, một số chủ đầu tư siết chặt hơn mức ưu đãi đối với suất ngoại giao, giới hạn thời hạn chuyển nhượng, nộp tiền... do một số khách hàng mua suất ngoại giao tạo các hiệu ứng xấu trên thị trường.