Nhiều khách hàng có suy nghĩ không ổn định khi dự án phá sản, không thực hiện lo nhà đầu tư thay đổi cam kết trong hợp đồng khiến họ đòi lại tiền mua chỗ khác.
Các chủ đầu tư bất động sản hiện tại đang chịu rất nhiều áp lực phía ngân hàng, khách hàng, đối tác...Trong bối cảnh sóng gió này, để con thuyền có thể về đến đích thì hơn hết những người trên thuyền cần đồng sức, đồng lòng chia sẻ khó khăn.
Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nhà Comtrexim.
- Thưa ông, hiện nay trên thị trường bất động sản ngày càng xảy ra nhiều tình trạng chủ đầu tư và khách hàng từ đối tác trở thành đối đầu trong đó nhiều khách hàng tìm mọi cách để phá hợp đồng đã ký. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng thị trường đang xuất hiện nhiều biểu hiện bất cập cho các nhà đầu tư bất động sản do giá BĐS đi xuống liên tục trong thời gian dài.
Trong bối cảnh khó khăn, các bên cần chia sẻ bởi khi đã ký hợp đồng cam kết bán nhà, mua nhà các bên cùng nhau và đã ký vào cam kết chung.
Trước đây, khách hàng mua giá cao bây giờ thị trường giảm, sự lo ngại của khách hàng là đương nhiên. Với hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, điều cần phải làm là khách hàng, ngân hàng và các đối tác chiến lược của chủ đầu tư cần có sự chia sẻ bởi chúng ta đều đang trên một con thuyền.
- Ông nghĩ sao trước các mối căng thẳng xảy ra trong trường hợp người mua nhà gặp phải những khó khăn do không có tiền nộp theo tiến độ... Ông có thể phân tích tâm lý khách hàng và chủ đầu tư khi không tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để triển khai khiến dự án kéo dài?
Vấn đề này xuất hiện 1 cách rất tự nhiên ở trong xã hội bởi tâm lý tiêu dùng cũng biến động theo thời gian.
Trong điều kiện hiện nay, khách hàng có những biểu hiện tâm lý khác nhau thậm chí có khách hàng sau khi mua sản phẩm đó rồi, qua thời kỳ biến động giá ngoài thị trường thì người ta có quyền được so sánh giá ngoài thị trường.
Điều đáng nói, đã có nhiều tranh chấp xảy ra khiến chủ đầu tư có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản.
Nhiều khách hàng có suy nghĩ không ổn định khi dự án phá sản, không thực hiện lo nhà đầu tư thay đổi cam kết trong hợp đồng khiến họ đòi lại tiền mua chỗ khác. Hay, nhiều khách hàng đã tạo ra áp lực, đưa ra ý kiến ảnh hưởng uy tín cho chủ đầu tư. Điều này là không nên bởi khi chủ đầu tư bị ảnh hưởng uy tín thì không chỉ khách hàng mà đối tác cũng chịu thiệt thòi.
- Nếu như khách hàng gây khó khăn thì hệ lụy gì sẽ xảy ra thưa ông?
Nếu như trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư không có biểu hiện gì là sai lệch so với cam kết ban đầu thì theo kinh nghiệm của tôi, các khách hàng, các đối tác có hành động làm ảnh hưởng uy tín chủ đầu tư, điều này không nên bởi chỉ làm ảnh hưởng thêm uy tín của chủ đầu tư. Chi bằng khách hàng, cùng với chủ đầu tư cùng phối hợp để thực hiện những gì đã cam kết là tốt nhất.
Tôi nghĩ rằng, những chủ đầu tư đã vi phạm điều khoản mà pháp luật đã quy định thì các chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi sự việc chưa đến mức đó mà khách hàng gây khó khăn thì các nhà đầu tư chịu đựng sự mất mát.
- Thưa ông, nếu chủ đầu tư bị mất uy tín thì việc tìm kiếm các đối tác có khó khăn không?
Theo quan điểm, trước pháp luật mọi thứ đều rõ ràng minh bạch. Ai đó có thể nói nhà đầu tư uy tín không có, tạo ra dư luận mất uy tín chủ đầu tư trong thời gian ngắn. Nếu nhà đầu tư chính trực và chuyên nghiệp thì họ có đầy đủ điều kiện để bảo vệ uy tín của mình.
- Nhưng trong bối cảnh này gần như các chủ đầu tư không thể đảm bảo đúng cam kết như đúng hợp đồng kinh tế. Vậy, khách hàng cần ứng xử như thế nào?
Tôi thấy trường hợp này hiện chưa xuất hiện nhiều. Có thể nó đã xuất hiện ở đâu đó nhưng chắc chắn chủ đầu tư tìm cách khắc phục .Tôi nghĩ rằng, họ sẽ phải khắc phục bởi tài sản đưa vào đó không hề nhỏ thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trước hết, nhà đầu tư tìm mọi cách để khắc phục. Có lẽ việc các dự án tạm dừng vừa rồi chỉ là tạm thời thôi chứ không phải cách khắc phục của các chủ đầu tư.
- Nhiều người cho rằng, việc chủ đầu tư gặp khó khăn hiện nay một phần là do những rủi ro về chính sách. Theo ông có đúng như vậy không?
Hiện nay vấn đề chính sách đất đai nhà cửa chưa ổn định, thực chất QH họp bàn đến việc điều chỉnh chính sách, điều khoản có liên quan đến điều tiết thị trường nhà ở, BĐS. Chính sách vĩ mô liên quan đến thị trường chưa thực sự chưa ổn định trong bối cảnh kinh tế trong nước, nước ngoài đang khó khăn. Năm 2011 do mức trượt giá cao ngoài dự tính cụ thể mức trượt giá ngành xây dựng đã lên mức 30%, lãi vay ngân hàng tăng mức 14% lên mức 22-26%. Tất cả đều trút lên vai những người làm xây dựng.
- Theo ông, trong trường hợp chủ đầu tư phá sản thì khách hàng sẽ chịu thiệt thòi gì?
Điều hiển nhiên nhìn thấy là thiệt thòi về kinh tế, những người tham gia nhiều sẽ thiệt thòi nhiều.
Có người cho rằng, nếu như doanh nghiệp phá sản thì tài sản đó sẽ được dùng để chia đều cho các khách hàng, các chủ nợ. Trường hợp này rất khó vì phần lớn tài sản đã được chủ đầu tư đem ra thế chấp tại ngân hàng để vay vốn đầu tư. Một phần vốn thu được của khách hàng lại không lớn. Khi chủ đầu tư phá sản thì tài sản thì ngân hàng sẽ phải giữ tài sản đó.
Xin cám ơn ông!
(Theo Vnmedia)