Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành 4 tháng qua đã phát huy hiệu quả bước đầu, giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành 4 tháng qua đã phát huy hiệu quả bước đầu, giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Vào thời điểm này, đã có ý kiến đề nghị nới lỏng tín dụng bất động sản, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nếu nới lỏng sẽ khó bảo đảm an toàn cho các hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với tinh thần “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS) trong bối cảnh nền kinh tế gặp không ít khó khăn hiện nay, ngày 24-6 vừa qua, Bộ Xây dựng có văn bản số 1004/BXD-QLN đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu và có hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) có thêm hình thức “chuyển nợ” từ nhà đầu tư sang người mua nhà, bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà.
Theo Bộ Xây dựng, biện pháp trên sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng BĐS, mà lại có tác dụng tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư; tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững; người dân có cơ hội mua nhà ở; là động lực thúc đẩy các thị trường khác phát triển mà không trở thành nhân tố gây lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị cần giữ nguyên tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở, hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.
Trước đề nghị nới lỏng tín dụng BĐS như vậy, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tín dụng BĐS cần phải được tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho hoạt động của các TCTD, tránh gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, bởi: Dư nợ cho vay BĐS thường là trung và dài hạn, trong khi vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, nên có thể phát sinh rủi ro về thanh khoản. Dư nợ cho vay xây dựng, mua nhà, sửa chữa nhà để bán chiếm phần lớn trong cho vay liên quan đến BĐS, nên khả năng thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn, do giá nhà ở hiện quá cao, vượt khả năng thu nhập của số đông người lao động có nhu cầu thực sự về nhà ở. Thời gian qua, thị trường BĐS diễn biến bất thường, tình trạng đầu cơ còn phổ biến, khả năng tiêu thụ nhà ở cũng đang có xu hướng chậm lại do khó khăn chung của nền kinh tế… như vậy, rủi ro tín dụng với nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới đã được dự báo.
Với việc giảm tỷ trọng tín dụng BĐS, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh địa ốc gặp khó khăn, nhưng không phải là đã hết cách huy động vốn ngoài vốn vay ngân hàng. Ông Đoàn Hữu Thuận – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trước tình hình chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, trong đó lãi suất ngân hàng ở mức cao đến 18%-20%/năm và cũng đang bị thắt chặt, Công ty phải phát huy tối đa nội lực, tìm nguồn vốn khác như nguồn phát hành cổ phiếu để tiếp tục đầu tư hoàn thành các dự án BĐS của Công ty đang thực hiện.
Ông Lưu Thế Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng dân dụng Tài Nghiệp bày tỏ: Trong bối cảnh hiện nay, người dân hay doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát. Do vậy, phải chấp nhận khó khăn do việc “siết chặt” tín dụng BĐS. Nhưng với những sản phẩm xây dựng góp phần bảo đảm an sinh xã hội như cơ sở hạ tầng, nhà thương mại giá rẻ cho người có thu nhập thấp thì cần phải được khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bởi, đây là các sản phẩm được tạo ra từ nguyên liệu của các ngành nghề sản xuất khác trong xã hội như sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất; dịch vụ vận tải, nhân công… thị trường nhà ở bị chững lại thì cũng tạo ra hệ lụy xã hội.
Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 30-6-2011 mới đây, về những giải pháp điều hành kinh tế-xã hội cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tập trung quyết liệt thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thông điệp trên cho thấy, chính sách tiền tệ sẽ được NHNN tiếp tục điều hành chặt chẽ, thận trọng. Cũng có nghĩa là, tín dụng phi sản xuất, trong đó có tín dụng BĐS chưa thể được nới lỏng trong ngắn hạn.
(Theo BRVT)