Thị trường ế ẩm, thu nhập sụt giảm, nhiều môi giới nhà đất TP HCM phải đổi việc để tìm kiếm nguồn tài chính ổn định hơn.
Thị trường ế ẩm, thu nhập sụt giảm, nhiều môi giới nhà đất TP HCM phải đổi việc để tìm kiếm nguồn tài chính ổn định hơn.
Từ đầu tháng 8, anh Nguyễn Hữu Ngọc, nhân viên môi giới một sàn địa ốc tại quận 7 đã phải chuyển sang nghề tiếp thị hàng tiêu dùng. "Sàn phải thu hẹp kinh doanh để cắt giảm chi phí, bản thân tôi cũng không thể cầm cự lâu hơn nữa nên quyết định ra đi", anh tâm sự.
Thu nhập từ công việc môi giới nhà đất của anh Ngọc đã giảm đến 70% so với hai năm trước nhưng chi phí cho công việc lại tăng lên. Giá cả hàng hóa leo thang, lương cơ bản lại không đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Anh Ngọc cho rằng thị trường bất động sản sẽ phải cần nhiều thời gian để phục hồi, và anh không thể chờ thêm.
Lời tâm sự của anh Ngọc cũng là nỗi lòng của nhiều nhân viên kinh doanh địa ốc hiện nay. Khảo sát của VnExpress.net, trung bình lương cơ bản của nhân viên môi giới nhà đất tại TP HCM khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Vẫn có một số sàn trả lương cho nhân viên theo thâm niên khoảng 5-7 triệu đồng một tháng nhưng số này không nhiều.
Phần lớn thu nhập của môi giới nhà đất phụ thuộc vào hoa hồng từ sản phẩm bán được, tỷ lệ 0,2-0,4% tùy vào giá trị hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, đặc biệt là giữa quý II trở đi, bất động sản rơi vào trạng thái trì trệ, giao dịch thành công sụt giảm nên bắt đầu xảy ra tình trạng chảy máu chất xám sang ngành khác.
Quản lý một sàn địa ốc tại quận 1 cho biết, từ đầu năm đến nay, sàn này đã có 20% lượng nhân viên chuyển nghề. Trong 8 tháng qua, các nhân viên này đều có năng suất bán hàng thấp, họ cảm thấy không còn phù hợp với công việc hiện tại nữa nên quyết định thay đổi.
Một sàn địa ốc khác tại quận 3 thậm chí còn ảm đạm. Trước quý I, hệ thống sàn này vẫn còn trên 100 nhân viên môi giới thì từ quý II trở đi, lượng nhân viên kinh doanh chỉ còn hơn 50 người.
Theo tiết lộ của một sàn địa ốc trên địa bàn TP HCM, trung bình một tháng chi tiêu toàn hệ thống của sàn khoảng 700 triệu đồng. Điều này có nghĩa là mỗi tháng đơn vị này phải thu về ngần ấy tiền thì mới đủ bù đắp chi phí. Thế nhưng từ tháng 3 đến tháng 6, doanh nghiệp đều lỗ. "Đây không chỉ là áp lực của đơn vị mà còn sức ép rất lớn lên nhân viên môi giới. Vì vậy, thu hẹp quy mô kinh doanh là điều dễ hiểu", lãnh đạo sàn địa ốc này bộc bạch.
Ngay cả những người đang trụ lại trong ngành môi giới địa ốc cũng thừa nhận sự sụt giảm của thị trường và áp lực công vệc rất lớn. Vào nghề môi giới bất động sản từ năm 2009, anh Hoàng Đức cho hay, cách đây hai năm, mỗi tháng anh vẫn bán được 2-3 căn nhà phố trị giá hàng chục tỷ đồng. Khách hàng lúc ấy dễ tính hơn hiện nay rất nhiều. Thế nhưng, từ năm 2011, lượng giao dịch nhà phố giá trị lớn rất ít và mất nhiều thời gian hơn, thậm chí có căn nhà thương lượng đến cả năm trời mới bán xong. Vì vậy, tiền hoa hồng cũng ít đi, dẫn đến thu nhập sụt giảm.
Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Song Phát Trần Tấn Thiện cho biết: "Các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là sàn giao dịch đang phải tái cấu trúc lại bằng cách giảm quy mô, sàng lọc nhân viên và phát triển hệ thống theo hướng mở rộng các đại lý môi giới và cộng tác viên để giảm chi phí".
Ông Thiện nhận xét, các nhân viên môi giới đang phải cắt giảm chi tiêu, do bán ít hoặc bán không được hàng, thu nhập thấp hơn. Với tình hình thị trường hiện nay, khách hàng sẽ khó tính hơn rất nhiều. Lúc trước có 10 khách hàng mua nhà thì nay chỉ còn lại 2, sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp môi giới với nhau cũng khốc liệt hơn.
Lãnh đạo Công ty Song Phát phân tích, đây là giai đoạn chỉ những đơn vị có nội lực, chịu được sức ép và vững niềm tin mới có thể tồn tại được. Thậm chí, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm thêm những ngành nghề khác để làm nhằm tăng doanh thu, hỗ trợ chi phí cho hệ thống sàn.
Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Nova, Trần Hoàng Thiện nhận xét, thực tế hiện nay các nhân viên kinh doanh địa ốc tuy thu nhập thấp hơn trước. "Số tiền kiếm được có thể ít hơn nhưng những người trụ lại sẽ là những chuyên gia thực thụ trong ngành này và có nhiều cơ hội thành công khi thị trường hồi phục", ông dự báo.
Theo ông Thiện, bất động sản đã từng trải qua thời hoàng kim, khi mà sàn địa ốc đóng cửa khách hàng ùn ùn kéo đến đập cửa đòi mua cho bằng được. Thời điểm đó môi giới địa ốc nhiều vô số kể nhưng không có chuyên môn. So với trước đây, lực lượng môi giới nhà đất tuy có giảm nhưng tính chuyên nghiệp của nghề này đã được nâng lên rất nhiều.
(Theo VnExpress)