Thời gian qua, các ngân hàng tích cực rao bán căn hộ, nhà đất để thu hồi nợ cũng như góp phần gia tăng nguồn cung cho thị trường địa ốc. Thế nhưng, theo giới chuyên gia tài chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ không dễ mua nhà đất phát mại.
Mới đây, ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định đã thông báo phát mại 27 căn chung cư The Era Town (quận 7, TP.HCM) để thu hồi nợ. Với giá khởi điểm hấp dẫn, không ít người mua ở thực và nhà đầu tư quan tâm tới những căn hộ này.
Nhà đất phát mại có giá khởi điểm thấp hơn thị trường
Theo thông báo của BIDV chi nhánh Gia Định, giá khởi điểm của 27 căn hộ chung cư The Era Town từ 2,18 tỷ đồng mỗi căn, tương đương khoảng 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức giá thị trường lên đến 20 triệu đồng/m2. Các căn hộ được bán phát mại có diện tích từ 135,8m2. Chủ đầu tư - Công ty CP Đức Khải đã thế chấp những căn hộ này tại ngân hàng. Khách mua (tổ chức, cá nhân) căn hộ sẽ được BIDV lựa chọn theo nguyên tắc người trả giá chào mua cao nhất. Đồng thời, nhà băng cũng cam kết hỗ trợ vay tối đa 60% giá khởi điểm của căn hộ theo đúng quy định hiện hành.
Phóng viên trong vai khách hàng có nhu cầu mua căn hộ phát mại đã liên hệ với nhân viên tín dụng của BIDV chi nhánh Gia Định. Nhân viên ngân hàng cho hay, sau khi có thông báo bán phát mại căn hộ, nhiều nhà đầu tư lẫn người mua ở thực quan tâm, liên hệ, tìm hiểu thủ tục để nộp hồ sơ đấu giá.
|
Nhà đầu tư nhỏ lẻ khó tiếp cận nhà đất phát mại. Trong ảnh: Một tòa nhà ở quận 1, TP.HCM đã được ngân hàng rao bán nhiều lần song chưa có khách mua. (Ảnh: Tấn Thạnh) |
Nhân viên BIDV cho biết thêm, trước khi quyết định đặt mua, khách hàng cá nhân hoặc tổ chức sẽ được xem hiện trạng căn hộ. Người nào trả giá cao nhất tại thời điểm mở thầu sẽ được mua căn hộ.
Theo chị Khánh Mai (quận 7, TP.HCM), tuy chưa từng mua nhà đất phát mại từ ngân hàng nhưng vì đang có nhu cầu mua căn hộ nên chị rất quan tâm sau khi biết thông tin trên. Một số người bạn của chị Mai đang sinh sống tại chung cư này cho hay, mức giá khởi điểm khá tốt, tuy nhiên còn tùy thuộc vào việc có nhiều người tham gia không, đấu giá ra sao.
Không riêng gì BIDV chi nhánh Gia Định, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng rao bán liên tục nhiều lô bất động sản, căn hộ, nhà đất để xử lý và thu hồi nợ. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thường xuyên rao bán bất động sản trị giá vài tỷ đồng. Hiện tại, 2 căn hộ thông tầng ở đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM) đang được Sacombank rao bán. Tổng diện tích sử dụng của các căn hộ là 213,3m2 (căn hộ tầng trệt cùng lầu 1 chung cư). Căn hộ có giá khởi điểm khá hấp dẫn, từ 19 triệu đồng/m2.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Thăng Long cũng mới rao bán lô bất động sản của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi trung ương tại TP. Hà Nội với tổng diện tích là 30.574m2. Lô đất này có chức năng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh được Nhà nước cho thuê đất, có thu tiền đất hàng năm. Bất động sản được bán theo giá thị trường và thỏa thuận. Trong khi đó, VietinBank chi nhánh Thái Bình cũng chào bán đấu giá lô bất động sản là quyền sử dụng 357m2 đất cùng tài sản trên đất tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) với giá khởi điểm 1,62 tỷ đồng. Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đều rất quan tâm tới những bất động sản được ngân hàng phát mại.
Cần tìm hiểu kỹ pháp lý khi mua nhà đất phát mại
Theo luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), nhà đất phát mại từ ngân hàng thường có giá mềm hơn so với giá thị trường. Tuy nhiên, giá rẻ là có lý do nên khách mua chớ nên ham rẻ. Để tránh rủi ro, người mua nên tìm hiểu kỹ về pháp lý, trình tự thủ tục, chủ đầu tư, cơ quan liên quan, quá trình đưa ra định giá phát mãi...
Cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức đều phải lưu ý, cân nhắc về mặt pháp lý khi mua tài sản đấu giá, phát mại từ các ngân hàng thương mại. Đầu tiên, người mua nên tìm hiểu từ cơ quan thi hành án xem chủ sở hữu có thực hiện nghĩa vụ gì khác sau khi đấu giá thành công? Thủ tục, trình tự định giá, thủ tục phát mại có đúng không?
Luật sư Dũng phân tích: "Vì mua xong nếu thủ tục rắc rối, người mua sẽ bị thiệt thòi. Như việc mua xong mà có người khởi kiện thì tòa tuyên hủy việc thẩm định giá, hủy mua bán phát mãi và lúc đó người mua phải tốn nhiều thời gian, công sức".
Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, việc bán đấu giá tài sản đảm bảo là căn hộ, nhà đất tại các ngân hàng thương mại diễn ra khá phổ biến. Tài sản thế chấp là bất động sản trước đây được xử lý bằng nhiều cách, qua nhiều kênh như không công khai như hiện nay. Bởi lẽ, nhu cầu giải chấp ở giai đoạn trước cao, thanh khoản tốt nên nhà băng không phải bán đấu giá, phát mại. Ông Hiển cho rằng: "Đây có thể xem là cơ hội cho người muốn săn lùng tài sản với giá tốt. Dù vậy, những tài sản bất động sản đưa ra rao bán có giá mềm nhưng phải qua nhiều thủ tục giải chấp, đôi khi trục trặc mà người mua sẽ gặp rủi ro. Xét về góc độ người mua, khi đã chọn, phải chú ý tính pháp lý, đồng thuận của chủ tài sản, pháp lý quyền mua, quyền bán của ngân hàng. Nếu không chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng "dở khóc dở cười" và trên thực tế, tài sản phát mãi từ ngân hàng không phải là dễ "ăn"".
Đại diện của một ngân hàng thương mại cho biết, việc nhà băng rao bán tài sản thế chấp công khai sẽ giúp "đánh động" con nợ, đặc biệt là với doanh nghiệp. Một khi thông tin khoản nợ, tài sản thế chấp được công khai sẽ kích thích người vay trả nợ nhanh hơn.
Ngân hàng không quảng cáo rao bán nhà đất phát mại
Nhiều người thông tin, thời gian gần đây liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi chào bán thanh lý căn hộ, nhà đất giá rẻ từ các ngân hàng thương mại. Song, sau khi tìm hiểu thông tin, người mua mới biết đây toàn là tin ảo, ngân hàng không quảng cáo thanh lý bất động sản với giá "bèo".
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, nhà băng không rao bán, quảng cáo nhà đất giá rẻ qua tin nhắn, điện thoại, sim rác. Ngân hàng đều xử lý nội bộ đối với những bất động sản thanh lý có giá hấp dẫn nên khó có chuyện rao bán hàng loạt. Mục đích của các công ty môi giới nhà đất là quảng cáo tài sản phát mại qua tin nhắn, cuộc gọi để tìm nguồn khách rồi chào mua các dự án khác.
|