UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở, công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sự bất cập của chính sách, sự bảo thủ của người dân… dẫn đến tình trạng người dân tìm mọi cách để không di dời bất chấp nhà đã cũ.
Hà Nội có nhiều công trình đã xuống cấp ở mức độ D
Hiện nay, Hà Nội đang khẩn trương đóng góp ý kiến xây dựng “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” do Bộ Xây dựng khởi xướng. Hà Nội cho biết đặc biệt chú trọng vào chung cư xây dựng trước năm 1994, các biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm. Quy trình trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà. Việc nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình để chủ động sửa chữa, đảm bảo chất lượng và giữ gìn cảnh quan chung cho đô thị cũng là mục đích quan trọng.
Bộ “Quy chế, quy trình đánh giá nhà nguy hiểm” được đánh giá là giải pháp tháo gỡ những nút thắt khiến việc cải tạo chung cư cũ ở Thủ đô cùng nhiều tỉnh thành trên cả nước trong suốt hơn 10 năm qua. Hiện nay, nhiều khu chung cư cũ được thẩm định, đánh giá ở cấp độ nguy hiểm nhất cần phải di dời khẩn cấp để xây mới.
Tại Hà Nội, nhiều người dân có tâm lý sợ phải tạm cư, tái định cư nên không chịu di dời. Thực tế này khiến việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều khó khăn.
Khu tập thể cũ C8 - Giảng Võ, Hà Nội là một minh chứng. Sau hơn 30 năm sử dụng, khu chung cư này có hàng loạt vết nứt kéo dài hàng mét, thậm chí có chỗ lồi cả sắt thép ra ngoài… Kết quả rà soát, đánh giá chất lượng của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng đánh giá, công trình nhà ở này nguy hiểm ở mức độ D. Đây là mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở, cần di dời khẩn cấp để xây mới. Như vậy, hàng trăm hộ dân ở đây đang phải sống trong trạng thái nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. Ai cũng cảm nhận được mối nguy hiểm thường trực, sợ nhà sập nhưng chưa chịu di dời kể cả khi TP đã có chủ trương bố trí tạm cư chờ xây mới.
Vì thế, TP. Hà Nội đã đưa ra giải pháp đẩy nhanh công tác rà soát thẩm định, phân loại các công trình công cộng nhà ở cũ. Tuy nhiên, việc đánh giá công trình xác định tuổi thọ và tình trạng kỹ thuật nhà ở và công trình công cộng là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu chuyên sâu. Tại Việt Nam, công tác đánh giá còn hạn chế, các tài liệu kỹ thuật liên quan thì nhiều nhưng tài liệu trực tiếp để đánh giá nhà nguy hiểm còn ít. Do vậy, “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn nước ngoài áp dụng phù hợp với Việt Nam nhưng vẫn cần nghiên cứu hoàn thiện.
Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ quy mô từ 2 - 5 tầng. Hơn nửa thế kỷ, tất cả các chung cư này đều đã hết niên hạn sử dụng. Trong đó, có tới 104 chung cư đã xuống cấp ở mức độ nghiêm trọng. Thậm chí, có hàng chục công trình xuống cấp ở mức độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở.
“Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” tại Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng nhằm xây dựng hệ thống hành lang, pháp lý, kỹ thuật để công tác đánh giá ngày một hoàn thiện trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn.