Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, đã có hơn 750 trường hợp người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại Việt Nam.
Đã có hơn 750 người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Con số này nhiều gấp khoảng 6 lần so với 8 năm thực hiện chính sách cũ theo Nghị quyết số 19/2008/QH11.
Tuy nhiên, một số chuyên gia BĐS cho rằng, ngay cả khi chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được “cởi trói” thì con số như vậy vẫn chưa đạt mức kỳ vọng.
Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) lý giải, việc giao dịch của người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam chưa nhiều vì vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng tài chính của người nước ngoài, công việc của họ tại Việt Nam, sự phù hợp về nhu cầu, vị trí, giá cả nhà ở…
Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn hiện nay, các quy định của pháp luật về nhà ở liên quan đến chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã thực sự cởi mở, thông thoáng hơn, cả về đối tượng, điều kiện sở hữu, số lượng nhà ở được mua… và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở của Savills Việt Nam tại Tp.HCM nhận xét, hiện nay, về cơ bản, các thủ tục pháp lý liên quan đến việc sở hữu BĐS tại Việt Nam dành cho người nước ngoài đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ cả phía người bán lẫn người mua.
Thống kê của Savills cho thấy, chỉ riêng tại thị trường Tp.HCM, trong vòng 2 năm qua đã có hàng ngàn giao dịch thành công với khách hàng người nước ngoài.
Trong năm 2017, đã có rất nhiều dự án “chạm trần” lượng khách hàng là người nước ngoài trong thời gian nhanh chóng.
Việc thu hút khách hàng nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật được kỳ vọng là sẽ tạo thêm dòng vốn và tăng tính thanh khoản cho thị trường, đặc biệt với phân khúc sản phẩm cao cấp đang rất dồi dào nguồn cung hiện nay.