Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng ông Nguyễn Điểu cách đây không lâu đã chính thức đặt vấn đề về các giao dịch đất ven biển Đà Nẵng có yếu tố người nước ngoài.
Việc luật quy định cho phép người nước ngoài mua nhà nhưng không cho sở hữu đất nên việc giao dịch đất ven biển ở đây đã nhanh chóng gây sự chú ý của các cơ quan chức năng.
Hiện tại, khu vực ven biển Đà Nẵng hiện đang bị cơ quan chức năng đặc biệt để ý bởi liên quan đến các giao dịch có yếu tố tiền của người Trung Quốc đứng sau lưng các chủ sở hữu người Việt.
Được biết, giới cò đất râm ran bàn tán các khu đất này đã chuyển nhượng với giá rất cao so với mặt bằng giá các khu vực khác.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường chính thức cảnh báo về vấn đề này, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng, mua bán đất đai đang nổi lên ở các quận ven biển như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
Mặt khác, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã gửi các hồ sơ qua Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng để thẩm định nguồn gốc các doanh nghiệp sở hữu đất và nhận thấy nguy cơ người nước ngoài sở hữu đất là rất cao.
Hiện đã có khá nhiều khách sạn và khu mua sắm đón khách đi tour giữa Đà Nẵng - Hội An cũng như khách trú trong các khu nghỉ dưỡng ven biển đua nhau mọc lên tại các khu đất đó.
Đà Nẵng thu hút 2,2 triệu lượt khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2015, trong đó có 900.000 khách nước ngoài và 2/3 trong số đó là khách du lịch Trung Quốc thì việc hình thành những phố "Tàu" tự phát là điều rất có thể xảy ra.
Giá đất ven biển Đà Nẵng đã tăng từ 7-15% so với năm trước.
Trên thực tế, cả thế giới có "China Town" phục vụ khách du lịch Trung Quốc bởi số lượng khách lớn và thói quen chi tiêu mua sắm nhiều.
Khách du lịch người Trung Quốc có nhu cầu được phục vụ bằng tiếng của họ, ẩm thực của họ, thế nên một khu chuyên biệt cho dòng khách này là hợp lý.
Cùng đó, chính quyền nhiều thành phố ở các nước trên thế giới đã chủ động trong quy hoạch một "China Town" và quản lý các vấn đề liên quan ngay từ đầu để đảm bảo an toàn, an ninh và công bằng trong thương mại.
Khoảng 5 năm tới, dự kiến thành phố ven biển này sẽ đón gần 1 triệu khách du lịch Trung Quốc, vì thế việc không chủ động quy hoạch khoanh vùng cho phát triển "phố Tàu đón du lịch" là không ổn, khiến dư luận hoang mang khi có hiện tượng phát triển dịch vụ đón người Trung Quốc một cách tự phát.
Việc để mặc cho phát triển phục vụ du lịch không quy hoạch theo dòng khách rồi lại tháo dỡ từng tấm biển tiếng Trung Quốc là động thái không đẹp mắt ở một thành phố du lịch nổi tiếng. Hơn nữa, một tâm lý kỳ thị không nên phát triển nếu không có lý do chính đáng.
Việc người Trung Quốc có khả năng đã "bơm tiền" mua đất ven biển Đà Nẵng khiến giá nhà đất ở đây tăng cao. Trong nửa đầu năm nay, các hãng tư vấn bất động sản quốc tế đều đề cập tới việc địa ốc Đà Nẵng đã có giao dịch mạnh sau thời gian dài "ngủ đông".
So với năm 2014, giá đất nền ven biển đã tăng thêm từ 7-15%. Đáng chú ý là, nguồn tiền lớn đổ vào các khu đất ven biển có dấu hiệu đến từ chủ sở hữu Trung Quốc.
Vậy trong vòng vài ba năm nữa, liệu giá đất có bị thổi phồng bởi nguồn tiền nước ngoài này không? Và khi bong bóng bất động sản Đà Nẵng một lần nữa bị thổi sẽ gây khó khăn lớn cho người địa phương trong kinh doanh dịch vụ và mua nhà để ở.
Hơn nữa, từ giá mặt bằng cao sẽ tăng giá dây chuyền về dịch vụ, ảnh hưởng đời sống người dân, khiến họ mất cơ hội sơ hữu nhà đất đúng với mức thu nhập.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Online