Đà Nẵng đã có kế hoạch khai thác “đất thương mại dịch vụ” để có kinh phí đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... thế nhưng khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) nay đã trở thành“đất ở đô thị” do Bộ Quốc phòng khai thác.
“Đất ở đô thị” từ “đất thương mại dịch vụ”
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản số 4370/UBND-QLĐTh liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng khu đất của Tổng Công ty Sông Thu thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật Khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên – Bình Thuận (khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ, cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi, giữa tuyến đường 2/9 và đường Bạch Đằng nối dài đang được mở dọc bờ Đông sông Hàn, quận Hải Châu).
Khu đất vàng từng được UBND TP. Đà Nẵng lên kế hoạch khai thác
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng (hoặc đơn vị được Bộ Quốc phòng ủy quyền) hỗ trợ UBND TP. Đà Nẵng tối thiểu 600 tỉ đồng là kinh phí liên quan đến việc di dời Nhà máy đóng tàu Sông Thu (trong trường hợp tiền sử dụng đất của dự án nộp về tài khoản của Bộ Quốc phòng).
Trong đó, hoàn trả số tiền 100 tỉ đồng mà UBND TP. Đà Nẵng đã cấp cho Ban Giải tỏa đền bù các dự án Đầu tư xây dựng số 1 (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP) để tạm ứng kinh phí đền bù cho Tổng Công ty Sông Thu.
Hoàn trả cho TP. Đà Nẵng khoảng 200 tỉ đồng là kinh phí xây dựng hạ tầng và bờ kè để có được mặt bằng khu vực dự án nêu trên.
Cũng trong Văn bản này, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, theo quy định trước đây thì các khu đất chuyển mục đích sử dụng từ đất quốc phòng sang đất phục vụ cho phát triển KT-XH thì nguồn kinh phí thu được do khai thác quỹ đất sẽ được đưa vào ngân sách của địa phương.
Với khu đất nêu trên, phía UBND TP. Đà Nẵng đã có kế hoạch khai thác để lấy nguồn kinh phí phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và các công trình quan trọng khác của TP với tổng kinh phí trên hàng nghìn tỉ đồng.
Văn bản 4370/UBND-QLĐTh của UBND TP Đà Nẵng có đoạn: “Thế nhưng, theo quy định mới của Chính phủ thì tiền sử dụng đất ở dự án này phải nộ vào ngân sách của Bộ Quốc phòng. Vì vậy, TP. Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí phục vụ cho việc thanh, quyết toán cũng như đầu tư các công trình trọng điểm nêu trên nhằm phát triển KT-XH của địa phương.
Do đó, thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ số tiền khoảng 300 tỉ đồng nhằm giải quyết một phần khó khăn nêu trên”.
Được hưởng lợi kép, vẫn xin hỗ trợ?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường Đà Nẵng cho biết: “Cái đó họ di dời qua làm nhà máy mới bên Thọ Quang, tiền họ bỏ ra hết. Giờ Thành phố và Bộ Quốc phòng chủ trương thì Chính phủ cho họ khai thác để lấy tiền bù vào đó.
Họ hỗ trợ lại cho TP vì trước đây TP ứng cho họ 100 tỉ tiền đền bù và xây dựng hạ tầng 200 tỉ. Tổng cộng 450 – 500 tỉ gì đó. Đấy chỉ mới là mình kiến nghị thôi. Trước mắt là họ hứa trong năm nay chuyển cho mình 200 tỉ tiền đền bù và làm hạ tầng, còn họ chưa khai thác lấy đâu mà đưa, sang năm mới đưa!”.
Nay đã chuyển mục đích sử dụng sang "đất ở đô thị" do một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng khai thác
Khi được phóng viên nhắc đến con số 600 tỉ mà TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ được ghi rõ trong văn bản 4370/UBND-QLĐTh. Ông Điểu giải thích: “Thì đấy cũng chỉ mới là đề nghị thôi. Tôi thấy họ đã bỏ ra cả năm, bảy trăm tỉ di dời nhà máy đi, mình được lợi đủ thứ nên xin nhiều cũng khó, khoảng 450 tỉ thì có thể họ trả lại cho mình được.
Khi được hỏi về những lợi ích khi khu “đất vàng này chuyển từ “đất dịch vụ thương mại” sang thành “đất ở đô thị” do một đơn vị của Bộ Quốc phòng khai thác, ông Điểu cho hay: “Nếu họ để nhà máy ở đó thì mình làm gì được người ta? Để nhà máy ở đó thì cầu Sông Hàn không quay được không? Cầu Rồng có xây dựng được không? Nói thật là TP lợi vô số kể đấy chứ!”.
Ngoài ra, theo ông Điểu, đây là cảng quân sự chứ không phải cảng du lịch, họ đóng tàu, chở xi măng, sắt thép, khí tài quân sự gây ô nhiễm môi trường. Sau khi họ rời nhà máy đi, mình có thể mở đường Bạch Đằng nối dài thông qua đó, hình thành khu đô thị mới hấp dẫn hơn. Nhìn chung thì TP lợi hơn nhiều. Đáng nhẽ ra TP phải bỏ tiền di dời cảng Sông Thu nhưng họ bỏ tiền ra di dời qua bên kia rất tốn kém. Giờ họ lấy lại khu đất đó để bù đắp một phần.
Cũng liên quan đến con số 600 tỉ đồng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ, ông Điểu cho biết : “Sau khi mình lập thủ tục giao đất cho người ta, định giá đất xong thì họ chuyển. Nhưng cái này mình làm chậm, làm chưa xong, đang làm đây. Cố gắng trong tuần này hoặc tuần sau xong. Trước mắt xin họ 200 tỉ!”.