Mang toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến mấy công đất của mình, ông Lương Văn Khai (ngụ khu vực 4, phường Hưng Thạnh, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) bức xúc trình bày với phóng viên báo Phụ Nữ.
Theo ông, dự án khu đô thị mới và khu công nghệ thông tin (ở khu vực 4, P.Hưng Thạnh, tổng diện tích 72ha với hơn 200 hộ dân có đất nằm trong dự án) đền bù giải tỏa không hợp lý khiến gia đình ông thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Khai, tháng 2/2017, đại diện chủ đầu tư dự án trên là Quỹ Đầu tư phát triển TP.Cần Thơ (Cadif) cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Q.Cái Răng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Cần Thơ và UBND P.Hưng Thạnh đã họp công bố giá đất đền bù giải tỏa.
Khung giá đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm được bồi thường theo quyết định số 2937 do Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh ký ngày 22/9/2016.
Ông Khai cho biết, ông có sáu công (6.000m2) đất vườn, hiện nằm trong dự án khu đô thị mới. Năm ngoái, Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại Địa ốc Hồng Loan cũng có dự án, đất thu hồi ngay cạnh đất nhà ông nhưng họ đền bù cao hơn so với dự án Cadif đến 60 triệu đồng/công.
Cụ thể, giá đất dự án lô 5C của Công ty Hồng Loan là: đất trồng cây lâu năm giá 440.000đ/m2, đất trồng cây hàng năm giá 400.000đ/m2. Còn giá đền bù của Cadif là: đất trồng cây lâu năm 374.000đ/m2, đất trồng cây hàng năm 340.000đ/m2. “So sánh giá, gia đình tôi thiệt gần 400 triệu trồng” - ông Khai nói.
Ông Khai còn hoang mang hơn bởi nếu cầm tiền bồi thường sáu công đất này, gia đình ông chưa biết sống thế nào, tái định cư ở đâu.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng có năm công đất trồng rau trong dự án Cadif cho rằng: “Vị trí dự án này hướng về trung tâm thành phố, ở ba phía đều có các dự án khu dân cư khác, lộ giới vài chục mét và một mặt tiền quốc lộ 1A (đường dẫn cầu Cần Thơ) mà đền bù như vậy là không thỏa đáng. Tối thiểu giá cũng phải bằng hoặc cao hơn giá dự án 5C của Công ty Hồng Loan mới hợp lý và dân mới thuận tình giao đất”.
Ông T.T.TR., cán bộ hưu trí tại P.Hưng Thạnh phân tích: “Hai dự án cùng trên địa bàn khu vực 4, bà con trong dự án tin tưởng giá đất Cadif bồi thường sẽ không thấp hơn dự án của Công ty Hồng Loan nên đã cho ngành chức năng kiểm đếm, đo đạc. Vì vậy, khi công bố giá, phần lớn người dân bất ngờ.
Để tháo gỡ khó khăn, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc nên lắng nghe, tập hợp ý kiến bà con và kiến nghị UBND Q.Cái Răng, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận xem xét, đề nghị UBND TP.Cần Thơ điều chỉnh cho hợp lý. Chỉ có làm vậy, bà con mới đồng thuận, dự án mới mau triển khai”.
Bà Nguyễn Thị Đường - Chủ tịch UBND P.Hưng Thạnh - cho biết, từ ngày triển khai quyết định thu hồi đất, chính quyền địa phương cũng đã nghe rất nhiều thông tin phản ánh về giá cả bồi hoàn.
Bà Đường nói: “Chúng tôi đã ghi nhận và tập hợp các ý kiến của bà con gửi lên cấp trên xem xét. Trên cùng địa bàn phường, vị trí đất tương tự nhau mà giá bồi hoàn chênh lệch như vậy sẽ khó thuyết phục bà con
đồng thuận”.
Theo bà Đường, cuối năm 2016, khi tiếp xúc cử tri P.Hưng Thạnh, bà con có đề nghị giá bồi thường của dự án sau không được thấp hơn dự án triển khai trước. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ lúc đó có cho rằng, trên cùng một địa bàn, không có lý gì dự án triển khai sau lại có mức giá đền bù thấp hơn dự án trước. Nhưng đến nay, phường vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời cụ thể về mức đền bù.
Trao đổi với chúng tôi ngày 14/4, ông Đào Anh Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - nói: “Hiện nay, UBND TP.Cần Thơ đã giao Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định lại, từ những phản ánh của bà con tới khung giá của các dự án khác. Đôi khi đất trên địa bàn cùng một phường nhưng nếu khu đất này có vị trí đắc địa, gần các trục đường giao thông chính thì sẽ có giá bồi hoàn cao hơn chỗ khác. Sau khi khảo sát, Hội đồng thẩm định sẽ có đề xuất mức giá phù hợp với UBND TP.Cần Thơ để trên cơ sở đó, trình HĐND xem xét, phê chuẩn”.