Hàng loạt các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư diễn ra thường xuyên ở các chung cư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân chung cư. Nhiều chuyên gia khuyên người dân từ chối nhận nhà nếu như chủ đầu tư không làm đúng như trong hợp đồng.
Dự án càng mâu thuẫn lớn, tranh chấp... giá có thể xuống, môi trường
ảnh hưởng. Ảnh minh họa
Tại toạ đàm: “Bùng nổ tranh chấp, dân chung cư phải làm gì?” tổ chức chiều 24/4, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, nếu buộc phải nhận thì cố gắng ghi rõ thực trạng, mô tả cái gì thiếu sót, cần yêu cầu họ tiếp tục sửa chữa. Nhiều hộ cần gây sức ép và kiến nghị khởi kiện.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà (VBMA) cho hay, hiện nay, sau một thời gian phát triển nóng, rất nhiều dự án được đưa vào sử dụng... bên cạnh những chủ đầu tư đã hoàn thiện dự án trước khi bàn giao cho khách hàng thì cũng có nhiều dự án chung cư dù chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn được chủ đầu tư vào sử dụng, tuy nhiên chúng ta cần xem xét xem tòa nhà đó còn thiếu những hạng mục nào.
Theo ông Hiệp, có một số thủ tục giấy tờ có thể chậm trễ được và có thể 'châm trước' nhưng cũng có một số vấn đề liên quan đến an toàn tòa nhà, an ninh, phòng cháy chữa cháy thì cần phải có đầy đủ trước khi bàn giao cho khách hàng. Nếu chủ đầu tư vẫn quyết bàn giao khi chung cư chưa đủ điều kiện thì rõ ràng chủ đầu tư đó phải có trách nhiệm khi các vấn đề xảy ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Sơn, Giám đốc khối phát triển kinh doanh - Công ty CP Khai thác & Quản lý tòa nhà PMC cho biết, trên thế giới có những cách quản trị chung cư như: Ở Hong Kong, mỗi căn hộ hoạt động như 1 công ty với các chức năng để tham gia như 1 hội đồng, có các tổ chức hỗ trợ về chuyên môn, công bố thông tin trên ủy ban và cần thông tin gì thì giải pháp cho tất cả các bên là công khai, minh bạch. Sợi chỉ kết nối duy nhất là công khai, minh bạch. Với cơ quan quản lý thì vai trò là công tâm,để giảm thiểu khác biệt.
Để giải quyết đối với những tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng: “Đây không phải là vấn đề pháp lý mà là vấn đề xử lý tình huống. Vấn đề bán nhà cả chủ đầu tư và cư dân đều quan tâm, có thể bên này là lợi thế, bên kia là yếu thế”.
Vị luật sư phân tích, trong trường hợp nếu chủ đầu tư chưa bán hết căn hộ, cư dân hoàn toàn có thể cân nhắc đặt thẳng vấn đề với chủ đầu tư, mặc cả với nhau, ai mất nhiều, ai mất ít, chẳng hạn bỏ ra vài tỷ đồng bảo trì để bán ra có lợi hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp bất lợi cho cư dân khi dự án bán hết rồi, hoặc còn vài căn, cư dân cần đấu tranh hết sức cân nhắc. Càng mâu thuẫn lớn, giá có thể xuống, môi trường ảnh hưởng. Không thể nói dừng hay tiếp tục mà tùy từng trường hợp. Nếu giấu thông tin đi, nếu các tiện ích và quyền lợi sẽ bị thiệt thòi. “Nói chung, một khi đã có mâu thuẫn thì sẽ có chuyện thiệt hại và chấp nhận thua thiệt”. luật sư Đức nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cũng cho rằng: "Chúng ta cũng không phủ nhận sự ảnh hưởng của những vấn đề chung cư đến giá trị căn hộ sau khi bàn giao. Người mua nhà cũng ngần ngại mua những dự án đang có tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư".
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, sự ảnh hưởng này cũng là ít, không phải cứ có tranh chấp là dự án giảm giá. Giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng nhà ở. "Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết ở các tòa chung cư, cư dân vẫn rất quyết liệt trong việc đấu tranh đòi quyền lợi, cũng không vì sợ dự án giảm giá mà giảm đi phần đấu tranh đòi quyền lợi", ông Hiệp nói.