Sau thời gian “sốt” với mức tăng cao tới 40% thì đến nay giá đất ở Hà Đông đã “lặng”, không có cả “sóng ngầm ở đáy sông”. Thực tế giao dịch thành công không nhiều. Cả người mua và người bán đều thấp thỏm… chờ.
Sau thời gian “sốt” với mức tăng cao tới 40% thì đến nay giá đất ở Hà Đông đã “lặng”, không có cả “sóng ngầm ở đáy sông”. Thực tế giao dịch thành công không nhiều. Cả người mua và người bán đều thấp thỏm… chờ.
“Sóng” lặng…
Nếu trong tâm điểm của “cơn sốt”, các dự án dọc đường Lê Trọng Tấn kéo dài được chào bán với giá 40 - 60 triệu đồng/m2 tùy vị trí và mặt đường cắt; đất nền các dự án Văn Khê, Văn Phú được chào bán với giá 60 - 70 triệu đồng/m2. Thì đến nay, thị trường trầm lắng khiến giao dịch đất dự án “lặng lẽ”, còn các trung tâm môi giới, văn phòng giao dịch BĐS lại rơi vào cảnh “chợ chiều”.
Hiện liền kề và biệt thự tại La Khê, Văn Khê được giao với mức giá từ 34 triệu đồng/m2 đến hơn 40 triệu đồng/m2. Một số căn biệt thự, liền kề ở khu đô thị mới Văn Phú đã hoàn thiện và đã có người ở nhưng giá đất tại khu đô thị này vẫn giảm so với trước, hiện mức giá giao dịch phổ biến từ 40 - 57,5 triệu đồng/m2. Đất nền tại Dương Nội được giao bán trên dưới 40 triệu đồng/m2. Cá biệt, biệt thự tại đô thị Mỗ Lao được giao bán với giá trên 100 triệu đồng/m2 bởi khu đô thị này chiếm một vị trí đẹp, thuận lợi cho việc đi lại.
Nhà ở riêng lẻ của người dân tại các phường trung tâm giao bán không nhiều mà chủ yếu là nhà trong làng, xóm. So với đất dự án ở khu vực trung tâm Quận thì giá đất tại khu vực xa hơn như Phú Lâm, Phú Lãm… rẻ hơn nhiều. Anh Lê Đức Tuấn, quê ở Thái Bình, hiện đang công tác tại một ngân hàng cho biết: “Giá đất dự án quá cao nên những người có nhu cầu mua để ở như tôi không thể mua nổi. Tôi phải tìm đến khu vực xa như Ba La, Phú Lãm mới hy vọng mua được mảnh đất hợp túi tiền”. Vì thế, mặc cho thị trường “đắn đo”, trầm lắng thì những người có nhu cầu thật vẫn tìm đến khu vực xa hơn như Phú Lãm, Phú Lâm, khiến giá đất ở đây tăng nhẹ, hiện khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2, tùy vị trí, diện tích.
Theo bà Phạm Thị Hoa - Trung tâm Địa ốc Xuân Hoa, giá đất đã giảm so với tháng 5/2010, tuy nhiên mức giảm không đáng kể. Mặc dù vẫn có khách đến hỏi nhưng giao dịch thành công là rất ít.
Nhà đầu tư thấp thỏm…chờ
Là quận có tốc độ đô thị hóa cao nhất Hà Nội, với hàng trăm dự án đang được đầu tư xây dựng, tạo hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Kỳ vọng tiềm năng BĐS khu vực này sẽ đem lại lợi nhuận siêu cao nên nhiều nhà đầu tư đã “đổ tiền” vào đất Hà Đông.
Bà Nguyễn Thị Khánh, một nhà đầu tư BĐS cho biết, nhiều lô đất nền tại các dự án đô thị mới như Dương Nội, Văn Khê, La Khê, Văn Phú… đã được “đổi chủ” nhiều lần và hiện tại nhiều nhà đầu cơ đang thấp thỏm… chờ.
“Tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Trọng Tấn cùng nhiều con đường khác đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Sau khi hoàn thành, chắc chắn giá đất sẽ tăng về giá thời cao điểm, thậm chí còn cao hơn” - nhà đầu tư này hy vọng.
Còn các chuyên gia BĐS thì cho rằng, thị trường phía Tây luôn nhiều tiềm năng và tình hình “sóng lặng” tại thị trường này chỉ là tạm thời.
(Theo Xây dựng)