Khu phố trung tâm Tràng Tiền có giá thuê mặt bằng khoảng 50 USD mỗi m2. Với diện tích 1.500 m2, tiền thuê đất của Kem Tràng Tiền đã là con số khổng lồ. Nhưng năm 2000, khi cổ phần hóa, số tiền định giá chỉ ở mức 3,2 tỷ đồng.
Khu phố trung tâm Tràng Tiền có giá thuê mặt bằng khoảng 50 USD mỗi m2. Với diện tích 1.500 m2, tiền thuê đất của Kem Tràng Tiền đã là con số khổng lồ. Nhưng năm 2000, khi cổ phần hóa, số tiền định giá chỉ ở mức 3,2 tỷ đồng.
1.500 m2 đất ở vị trí kinh doanh lý tưởng không được tính vào định giá doanh nghiệp, nhưng những người chủ mới của lại được toàn quyền sử dụng mảnh đất miễn phí trong 10 năm. Sau 8 năm, Công ty Tràng Tiền đã trải qua 4 hội đồng quản trị khác nhau. Những cổ đông mới luôn sẵn sàng trả cho cổ đông cũ mức giá cao hơn, vì nhiều lý do, và có tính đến giá trị sử dụng khu đất.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, không có gì bất hợp lý nếu những người chủ tương lai của doanh nghiệp sử dụng giá trị đất đai bất động sản vào những mục đích ngoài ngành nghề kinh doanh truyền thống, dù việc sản xuất kinh doanh vẫn có hiệu quả. "Điều này có thể xảy ra, đó là giá trị thật của doanh nghiệp so với giá trị xác định khi đưa vào cổ phần hóa sẽ có độ vênh. Chính vì vậy, nó làm cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp bị đẩy lên rất cao. Khi tính toán chuyển sang một loại hình kinh doanh khác có lợi hơn, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của cơ quan quản lý".
Các doanh nghiệp được cổ phần hóa trước năm 2007 đều không được tính giá trị sử dụng đất vào định giá doanh nghiệp. Công ty Tràng Tiền được định giá 3,2 tỷ đồng và cũng được bán đúng với giá 3,2 tỷ. Cũng có những doanh nghiệp được định giá thấp, nhưng vẫn bán được giá cao. Sự khác nhau còn ở phương thức bán cổ phần. Cổ phần của Tràng Tiền ban đầu chỉ được bán cho nội bộ người lao động, nên chỉ bán được với giá đó.
Trên thực tế, những người từng nắm giữ cổ phần của Tràng Tiền đều không bỏ qua giá trị sử dụng đất của công ty. Ngay từ năm 2002, những mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp, tranh cãi giữa các cổ đông, người lao động… đã diễn ra và thường xoay quanh vấn đề bất động sản. Vào thời điểm đó, luật sư Bùi Vinh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc gia Việt Nam, đã được mời như người đại diện cho một phía cổ đông của công ty để giải quyết các tranh chấp.
Luật sư Bùi Vinh Quang cho rằng mâu thuẫn chủ yếu dẫn đến tranh chấp giữa các cổ đông trong công ty kem Tràng Tiền về bản chất là giá trị bất động sản. Một số cổ đông ngoài ồ ạt mua cổ phần của Công ty Kem Tràng Tiền chỉ trong vòng 1,2 ngày bởi công ty này đang nắm giữ những mảnh đất đắc địa mà có thể nói, có tiền cũng không mua được. Trong công ty cổ phần, để một cá nhân chiếm hữu diện tích đất rất khó, trừ trường hợp cá nhân đó chiếm hữu 65% cổ phần của công ty.
Một trường hợp khác là khách sạn Kim Liên, cũng ở Hà Nội và rộng gấp nhiều lần công ty Tràng Tiền, được định giá hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bán cổ phần rộng rãi ra công chúng, đã giúp khách sạn Kim Liên được bán với giá cao hơn định giá và gần hơn với giá trị thực. Để các quy định phù hợp hơn với thực tiễn, năm 2007, một Nghị định mới đã được ban hành quy định giá trị đất đai phải được tính vào định giá cổ phần hóa. Nhưng văn bản hướng dẫn mới chỉ đưa ra trình tự định giá mà chưa hướng dẫn cách thức định giá. Giá trị thị trường của đất đai cần được tính như thế nào vẫn còn là câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp và cả các chuyên gia lúng túng.
(Theo vtv.vn)