Tình hình giao dịch tại các sàn đia ốc TP HCM vẫn trầm lắng dù giá nhà đất đang hạ thêm 5-7%. Việc lãi suất tín dụng điều chỉnh từ 18-19% xuống còn 15-16% một năm cũng chưa đem lại tín hiệu vui nào.
Tình hình giao dịch tại các sàn đia ốc TP HCM vẫn trầm lắng dù giá nhà đất đang hạ thêm 5-7%. Việc lãi suất tín dụng điều chỉnh từ 18-19% xuống còn 15-16% một năm cũng chưa đem lại tín hiệu vui nào.
Theo khảo sát giá bất động sản hằng tuần của Sacomreal và Vinaland tại TP HCM, đa phần các dự án trên địa bàn thành phố đang đứng giá hoặc tiếp tục xuống giá trung bình 5-7%. Dự án chung cư cao cấp Phú Mỹ của Sacomreal từng phát hành trái phiếu bất động sản với khung giá dự kiến 1.500 USD mỗi m2 cũng đã được điều chỉnh còn khoảng 1.000 USD mỗi m2. Giới đầu tư, kinh doanh địa ốc còn dự báo mảng nhà đất dự án nhiều khả năng sẽ giảm thêm trong vài tháng cuối năm.
Bất động sản trên đà đứng giá và giảm nhẹ nhưng các sàn giao dịch tại quận 2, 4, 6, 7 chỉ nhận được vài cuộc điện thoại trong một tuần. Thống kê của sàn địa ốc ACBR, lượng giao dịch thành công mảng nhà đất dự án hầu như không có người quan tâm.
Ngay cả khi lãi cho vay các tổ chức tín dụng từ 18-19,5% đã hạ dần xuống còn 15-16%, bài thuốc này vẫn không chữa được "bệnh" sụt giảm của thị trường địa ốc TP HCM. Hiện nay, ngoài việc phải loay hoay với nợ cũ sắp đáo hạn, giới kinh doanh bất động sản đều tự nhắc nhau chờ đợi chứ không ai dám vay vốn với mức lãi suất trên.
Nguyên nhân thị trường không có chuyển biến khả quan mặc dù giá cả "hấp dẫn" và lãi suất "dễ thở" hơn trước, theo các chuyên gia, lãi suất 15-16% một năm không thể kinh doanh bất động sản hiệu quả.
Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc nhận định: "Hiện nay vay lãi suất 12% cũng gây khó cho doanh nghiệp bất động sản, huống hồ gì 15-16% một năm".
Ông Chúc nhẩm tính rằng, phải bán được sản phẩm với mức lợi nhuận 20% xoay vòng trong một năm thì lãi suất 15% may ra mới tạm chấp nhận được. Nhưng chuyên gia này dự báo năm 2011 thị trường mới có thể sôi động lại, đầu năm 2009 bất động sản mới hy vọng chuyển biến dần. Thêm vào đó, sức mua hiện nay gần bằng không, giá nhà đất vẫn giảm nên vay với lãi suất 15% là thất sách.
Hơn nữa, ông khẳng định thêm, mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm này là giãn nợ và được áp dụng một mức lãi suất khả thi hơn. "Án binh bất động là lựa chọn tốt nhất, đi vay thực hiện dự án lúc này chỉ tổ rước cái khó vào mình mà thôi", ông Chúc nói.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), ông Lê Chí Hiếu, cho biết, thị trường bị nghẽn đầu ra, sức mua giảm, bất động sản mất tính thanh khoản (cầm cố, thế chấp không được), nếu đi vay đồng vốn không sinh lời được.
Lãnh đạo Công ty Thủ Đức House cho hay, doanh nghiệp địa ốc đang bị các khoản nợ vượt khả năng chi trả bao vây, nhiều khả năng đáo hạn trả lãi họ phải phát mãi tài sản. Chính vì vậy, theo ông Hiếu, vay vốn lúc này chỉ là nước cờ tạm, có tính chất đối phó chứ không giải quyết căn cơ lâu dài.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu, đã nhiều lần kiến nghị với ngân hàng rằng lãi suất phải điều chỉnh phù hợp đối với từng ngành nghề chứ không nên ấn định khung đại trà. Riêng đối với ngành địa ốc, do đặc thù riêng phải vay trung và dài hạn mới kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, mặc dù hiệp hội và doanh nghiệp đã kiến nghị giãn nợ, trợ vốn, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu chỉ dự báo tới đây sẽ có làn sóng cạnh tranh hạ lãi suất từ các nhà băng. Các kiến nghị khác vẫn còn bỏ ngõ. Quan điểm của ông Giàu, địa ốc dù giảm giá vẫn còn xoay quanh trục giá trị và cần phải phát triển chậm lại để hướng tới sự bền vững.
Thanh Lê