Đất phía Tây tăng giá, đặc biệt là cơn sốt đất Ba Vì trong thời gian qua là một nghịch lý của quản lý. Cần đặt ra vấn đề tác động của định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây lên thực tế của thị trường bất động sản Hà Nội và những giải pháp để tránh tác động xấu.
Đất phía Tây tăng giá, đặc biệt là cơn sốt đất Ba Vì trong thời gian qua là một nghịch lý của quản lý. Cần đặt ra vấn đề tác động của định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây lên thực tế của thị trường bất động sản Hà Nội và những giải pháp để tránh tác động xấu.
Đó là ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, tại hội thảo về bất động sản phía Tây vừa diễn ra.
Định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây đã được Chính phủ, lãnh đạo thành phố quyết định từ nhiều năm nay. Một quy hoạch rất nghiêm túc chờ phê duyệt mà tác động vào sốt đất thực tế đã xảy ra.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản tại một số khu vực đang xem xét quy hoạch tại Hà Nội. Tại khu vực phía Tây, giá bất động sản tăng đều đặn từ trước khi có quyết định sát nhập thủ đô Hà Nội cho đến nay, trong khi tại các khu vực phía bắc, phía nam và phía đông chỉ mới tăng trở lại từ đầu quý 1/2010.
Đặc biệt, lượng giao dịch và giá chuyển nhượng được chào bán trên thị trường tự do các loại đất thổ cư, đất cây lâu năm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhiều địa bàn của Hà Nội, trong đó có các địa điểm đang được xem xét quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tăng mạnh trong quý 1 và đầu quý 2/2010.
Tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên cao, nhất là tại các khu vực huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì. Hầu hết, các giao dịch chủ yếu là đầu tư, “lướt sóng” chứ không có nhu cầu về chỗ ở. Việc đầu cơ, kích giá, “làm giá” ảo của giới đầu cơ, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân để đẩy giá bất động sản lên cao.
Theo ông Đặng Hùng Võ nhận định, tác động của định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây thực tế đã ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Chính vì thế cần phải có những biện pháp để tránh các tác động xấu.
Sự biến động chóng mặt của thị trường bất động sản phía Tây, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, cần phải có những bước đi đúng để thị trường phát triển một cách lành mạnh. Cơ chế gọi vốn và chia sẻ lợi ích hiệu quả của vốn gọi có tầm quan trọng đặc biệt để tạo ổn định cho thị trường. Vốn bất động sản là một vấn đề lớn cần các giải pháp đồng bộ.
Nghị định 71/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, tập trung vào giải quyết được khá nhiều vấn đề có liên quan tới cơ chế giải quyết vốn cho thị trường bất động sản và nâng cao tính minh bạch cho thị trường.
Nghị định này cũng hướng tới việc loại bỏ đi những nhà đầu tư làm ăn thiếu chuyên nghiệp, đầu cơ lướt sóng, tạo mập mờ thông tin, trục lợi từ những kẽ hở của thị trường. Ngoài cơ chế chuyển đổi quỹ đất thành năng lực tài chính, cơ chế “mua bán nhà trên giấy” trên cơ sở huy động vốn từ người tiêu dùng cũng được xem xét, loại trừ đi những rủi ro đối với bên mua. Đây cũng là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản.
Duy Khánh