Chấp nhận bỏ tiền mua nhà trên giấy với hy vọng có được mức giá thấp, nhưng thực tế thời gian qua, hầu hết khách hàng đều phải trả thêm khá nhiều tiền mới có thể nhận nhà và kèm theo đó là những nỗi bức xúc vì chủ đầu tư đã không giữ lời hứa ban đầu.
Chấp nhận bỏ tiền mua nhà trên giấy với hy vọng có được mức giá thấp, nhưng thực tế thời gian qua, hầu hết khách hàng đều phải trả thêm khá nhiều tiền mới có thể nhận nhà và kèm theo đó là những nỗi bức xúc vì chủ đầu tư đã không giữ lời hứa ban đầu.
Đến hẹn lại… tăng giá
Theo hợp đồng góp vốn ký năm 2007 giữa ông Trần Văn Tuân với Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Xây dựng 126, thì căn hộ rộng 76 m2 của ông Tuân tại Chung cư CT3 Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) có giá trị gần 400 triệu đồng. Theo quy định, khoản tiền mua nhà được thanh toán làm 4 đợt. Tính đến giữa năm 2010, ông Tuân đã đóng tổng số 380 triệu đồng cho căn hộ này. Tuy nhiên, sau khi cơ bản hoàn tất nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư và chuyển hợp đồng góp vốn thành hợp đồng mua bán căn hộ, thì ông Tuân nhận được giấy của Công ty 126 yêu cầu đóng thêm gần 60 triệu đồng nữa (tương đương 15% giá trị căn hộ), với lý do đơn giá xây dựng được điều chỉnh.
Thắc mắc việc này, chủ đầu tư giải thích rằng, họ đã thực hiện đúng theo hợp đồng. Theo Điều 2 của Hợp đồng góp vốn, đơn giá xây dựng căn hộ được tính tại thời điểm tháng 6/2007; nếu giá thành xây dựng có biến động không quá 20%, thì giá chuyển nhượng căn hộ được điều chỉnh không quá 15% giá trị hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Xây dựng 126), từ năm 2007 đến hết quý IV/2009, giá nguyên vật liệu đã tăng 32,5%, nên Công ty buộc phải điều chỉnh hợp đồng.
Thực tế, việc chủ đầu tư tự ý tăng giá bán căn hộ diễn ra ở hầu hết các dự án nhà ở trong thời gian qua. Một chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội tiết lộ, việc chủ động tăng giá bán là cách bán hàng nhanh và hiệu quả nhất trong kinh doanh bất động sản. Ngay cả khi thị trường “đóng băng”, nhiều công ty bất động sản vẫn cứ vài tháng lại tăng giá bán một lần. “Chiêu” này sẽ làm các nhà đầu tư cảm giác rằng, cứ đầu tư vào bất động sản là có lợi, nên thu hút nhiều người “ôm hàng”.
Vô tư điều chỉnh quy hoạch
Ngoài việc thường xuyên nhận được yêu cầu tăng giá bán căn hộ từ phía chủ đầu tư, người mua nhà trên giấy còn phải đối mặt với tình trạng chủ đầu tư bớt xén giá trị của bất động sản bằng cách tự ý thay đổi chỉ tiêu quy hoạch và mật độ xây dựng.
Kết quả thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đối với một số dự án khu đô thị trên địa bàn Thủ đô mới đây cho thấy, trong quá trình triển khai dự án, phần lớn chủ đầu tư có điều chỉnh chức năng sử dụng, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc so với quy hoạch ban đầu (quy hoạch chi tiết 1/500). Việc điều chỉnh quy hoạch chủ yếu là tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình… Tại các khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư), khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc (do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư), Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng (do Vinaconex làm chủ đầu tư)…, quy hoạch đã được điều chỉnh nhiều lần.
Đặc biệt, chủ đầu tư Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc đã nhiều lần điều chỉnh cả chức năng lẫn quy hoạch, với mức điều chỉnh rất lớn, như ô CQ1 và CC2 có chiều cao theo quy hoạch là 6 tầng, nhưng sau đó điều chỉnh lên 27 và 36 tầng, trong khi diện tích cây xanh bị thu hẹp. Việc điều chỉnh này tuy không làm giảm diện tích của từng căn hộ cụ thể, nhưng sẽ làm giảm chất lượng sống của người dân trong tương lai.
Thực tế khác xa cam kết
Khi ra mắt dự án nhà ở, chủ đầu tư bao giờ cũng tìm được những lời “có cánh” để khuếch trương nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi nhận nhà (thường là chậm 1 – 3 năm), khách hàng mới tá hoả vì chất lượng nhà ở không như cam kết.
Theo các cư dân sinh sống tại Chung cư Golden Westlake (số 151 - Hoàng Hoa Thám, Hà Nội – một trong những khu chung cư được giới thiệu là “đẳng cấp” quốc tế tại Hà Nội), ban đầu, chủ đầu tư giới thiệu dự án có hàng loạt tiện ích hấp dẫn đi kèm như nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, chỗ đỗ xe... Thế nhưng, khi thực hiện thì chủ đầu tư đã không đưa những hạng mục này vào tiện ích chung của khu nhà. Người dân muốn sử dụng các dịch vụ này phải đóng thêm tiền. Chẳng hạn, để có chỗ đỗ ô tô, khách hàng phải mua với mức giá từ 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ.
Khi khách hàng vào ở, hàng loạt bất cập đã bộc lộ, như căn hộ không có phòng sấy quần áo như giới thiệu ban đầu, hệ thống gas trung tâm, điều hoà… thường xuyên có vấn đề...
Như vậy, với các hợp đồng mua nhà trên giấy, không ít khách hàng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi với giao dịch kiểu này, họ luôn “nắm dao... đằng lưỡi”.
(Theo Đầu Tư)