Cái tiếng “siêu lợi nhuận” một thời chưa xa đang khiến nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản khó làm ăn.
Cái tiếng “siêu lợi nhuận” một thời chưa xa đang khiến nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản khó làm ăn.
Tập đoàn Inpyung (Hàn Quốc), chủ đầu tư Dự án Chung cư cao cấp Daewoo - Cleve (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) vừa chấp nhận kế hoạch kinh doanh khá “xanh chín” khi quyết định cho phép khách hàng mua căn hộ vay tiền để đóng đợt 2 và đợt 4 với giá trị 25% hợp đồng mua căn hộ (lãi suất ưu đãi 12%/năm). Số tiền mà Inpyung bỏ ra hỗ trợ lãi suất, kích cầu cho dự án của chính họ có thể không lớn so với tổng vốn đầu tư của Dự án (hơn 420 triệu USD), nhưng nó phản ánh trung thực tình cảnh thị trường bất động sản Việt Nam thời giá xuống.
So sánh với Dự án Keangnam Landmark Tower cách đây không lâu, cũng tại Hà Nội, cũng một dự án bất động sản của chủ đầu tư Hàn Quốc với gần 1.000 căn hộ vẫn đắt hàng với mức giá 3.000 USD/m2 cùng khoản chênh lệch (5-10% giá trị căn hộ) cho môi giới, mới thấy tình cảnh của những dự án đi sau trong thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn.
Theo TS. Nguyễn Trường Tiến (chuyên gia thẩm định dự án, Bộ Xây dựng), 3 năm trước, đầu tư xây dựng căn hộ chung cư ở Việt Nam là lĩnh vực đầu tư mang lại siêu lợi nhuận. Các chủ đầu tư hốt bạc tại thị trường địa ốc mới nổi, nhu cầu về nhà ở tăng cao ở một thị trường có dân số trẻ, dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường lớn (cả vốn trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối...). Cùng với tâm lý “bầy đàn” của những nhà đầu tư thứ cấp, “xuống tiền” hôm nay, vài hôm sau đã lời vài chục đến hàng trăm triệu đồng, khiến bất động sản trở thành lĩnh vực béo bở của giới đầu cơ.
Nhưng khi tín dụng bị thắt chặt, hoạt động tài trợ vốn của ngân hàng cho bất động sản được kiểm soát gắt gao, thị trường trầm lắng kéo dài, giao dịch chậm, thì kiếm tiền từ địa ốc trở nên khó khăn, thậm chí kiếm lời ít cũng khó, nói gì đến siêu lợi nhuận.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, suất đầu tư cho 1 m2 nhà ở bao gồm các yếu tố: giá đất, giá thành xây dựng và chi phí đầu tư cho các tiện ích sử dụng chung của cả tòa nhà (bao gồm hạ tầng, bể bơi, sân chơi, tầng hầm, cảnh quan cây xanh...), trong đó, giá đất chiếm 10-15%.
Giá thành xây dựng bao gồm chi phí thiết kế, giám sát thi công, chi phí xây dựng cũng như các loại chi phí gián tiếp như phí quản lý, lãi suất vay ngân hàng - đây mới là khâu chiếm tỷ trọng lớn nhất, thường 70 - 75% suất đầu tư.
Ở thời điểm này, giá xây dựng của chung cư cao cấp chưa hoàn thiện nội thất trung bình ở mức 11-13 triệu đồng/m2, cộng với các chi phí gián tiếp đã liệt kê ở trên, với mức giá bán 18-25 triệu đồng/m2, có thể nói, chủ đầu tư có lãi không nhiều.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cotecons, một nhà thầu xây dựng thực hiện nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam phân tích thêm, yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành xây dựng là thiết kế kiến trúc và cảnh quan. Nếu so sánh 2 khối nhà cùng chiều cao, thì tòa nhà có kiến trúc phức tạp hơn phải đầu tư lớn hơn, phương pháp thi công cũng sẽ tốn kém hơn so với những tòa nhà có hình khối đơn giản. Chẳng hạn, tại Khu căn hộ Rừng Cọ (Dự án EcoPark của Vihajico) mà Cotecons đang thi công, để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, cũng như công năng, mỗi căn hộ đều có 2 - 3 mặt thoáng, hệ thống hành lang đón gió... thì chi phí xây dựng tăng, đẩy giá xây dựng lên cao hơn so với những toà nhà có kết cấu đơn giản khác.
Chính vì vậy, khi thị trường khó khăn, nếu chủ đầu tư chọn cách hút khách bằng các giá trị gia tăng của các tiện ích, thì cũng có nghĩa là lợi nhuận của chính họ bị giảm xuống. “Ở thời điểm này, những chủ đầu tư bất động sản có thể vượt qua khó khăn, duy trì tiến độ, cũng như chất lượng thiết kế, thi công dự án đã là thành công lớn, chứ đừng nghĩ đến siêu lợi nhuận”, ông Dương nói.
(Theo Báo đầu tư)