Mức đền bù 500 triệu đồng cho mỗi m2 đất tại khu đất 25 - 27 Hai Bà Trưng và 22 - 24 Hàng Bài, Hà Nội được xem là mức giá chưa từng có tại Việt Nam vẫn bị những hộ dân ở đây xem là quá thấp.
Mức đền bù 500 triệu đồng cho mỗi m2 đất tại khu đất 25 - 27 Hai Bà Trưng và 22 - 24 Hàng Bài, Hà Nội được xem là mức giá chưa từng có tại Việt Nam vẫn bị những hộ dân ở đây xem là quá thấp.
Theo họ, ngay cả khi mức đền bù lên tới 1 tỷ đồng một m2 cũng không phải là phi lý và có thể chứng minh được.
Chưa sát giá thị trường?
Khu “đất vàng” toạ lạc giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm, ở hai mặt phố Hai Bà Trưng (số 25 - 27) và Hàng Bài (số 22 - 24), gần hồ Hoàn Kiếm, đối diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. Tháng 11/2004, khu đất được UBND thành phố Hà Nội quyết định thu hồi và giao cho Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà (trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại - văn phòng cao 7 tầng, với thời hạn thuê đất là 20 năm. Quyết định này cũng ghi rõ, sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu công ty không triển khai xây dựng thì Sở Tài nguyên Môi trường lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi quyết định thuê đất. Trong tổng diện tích hơn 4.000 m2 của khu đất, có 3.776 m2 do Công ty nhựa Hà Nội thuê của thành phố (đã được giải phóng mặt bằng do doanh nghiệp di dời đi nơi khác) và gần 300 m2 là diện tích của 27 hộ dân sinh sống tại đây.
Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tại khu đất nói trên vẫn chưa hoàn tất, do vẫn còn một số hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra (500 triệu đồng một m2, đất tầng một không có nóc là 300 triệu đồng và tầng 2 là 200 triệu đồng). Ông Hoàng Quốc Định, đại diện cho các hộ sinh sống tại số 22 - 24 Hàng Bài cho biết, trong tổng số 27 hộ, vẫn còn tới 16 hộ (11 hộ ở số 25 - 27 Hai Bà Trưng và 5 hộ ở số 22 Hàng Bài) chưa chấp nhận phương án đền bù của chủ đầu tư. Theo ông Định, mức giá 500 triệu đồng một m2 mà chủ đầu tư đưa ra chưa sát với giá thị trường bởi giá thực tế còn cao hơn như vậy nhiều.
Muốn mua phải thỏa thuận
Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2009, Đất Việt đã từng có một số bài viết phản ánh câu chuyện xung đột quyền lợi giữa chủ đầu tư và những người dân tại khu “đất vàng” nói trên. Ít người biết rằng, ban đầu, khu đất này bị áp giá chỉ với… 42 triệu đồng một m2 (mức cao nhất đối với diện tích tầng 1). Tuy nhiên, người dân ở đây phản đối và cho rằng đó là mức giá quá vô lý so với giá thị trường. Để thuyết phục người dân “nhường” đất xây trung tâm thương mại, chủ đầu tư tiếp tục nâng mức đền bù lên mức kỷ lục 195 triệu đồng. Tuy nhiên, các hộ dân đang sinh sống tại khu đất “vàng” của Thủ đô vẫn không chấp thuận, cho đến khi một số hộ đồng ý với phương án đền bù cao nhất là 500 triệu đồng một m2 như đã nói ở trên.
Lý giải về việc không chấp nhận mức đền bù được cho là kỷ lục, 500 triệu đồng, đại diện các hộ sống tại số nhà 22 Hàng Bài, ông Định cho rằng, dự án xây trung tâm thương mại là nhằm mục đích kinh doanh chứ không phải phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hay lợi ích công cộng, không thuộc diện Nhà nước thu hồi. “Vì thế, chúng tôi chỉ đồng ý khi chủ đầu tư đưa giá hợp lý. Chủ đầu tư muốn mua thì phải thỏa thuận”, ông Định nói và cho biết, trong một biên bản định giá vào thời điểm tháng 3/2005, giá đất ở số 25 Hai Bà Trưng được Hội đồng định giá của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm định giá tương đương 30 cây vàng. “So với giá vàng bây giờ, mức đền bù một tỷ đồng một m2 thì tại sao lại gọi là phi lý?”, ông Định nói.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, về nguyên tắc, thu hồi đất phục vụ dự án nhằm mục đích kinh doanh thương mại phải thỏa thuận đền bù sát giá thị trường. Vấn đề là người dân phải chứng minh được giá thị trường là bao nhiêu. Người dân có thể thuê Trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính thực hiện việc này.
(Theo Đất Việt)