"Đền bù phải tuân thủ cơ chế thị trường. Nên để người dân lựa chọn có vào khu tái định cư hay không, ai tự lo được chỗ ở mới phù hợp quy hoạch thì trả thẳng tiền cho họ". Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trao đổi về giải phóng mặt bằng và tái định cư.
"Đền bù phải tuân thủ cơ chế thị trường. Nên để người dân lựa chọn có vào khu tái định cư hay không, ai tự lo được chỗ ở mới phù hợp quy hoạch thì trả thẳng tiền cho họ". Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trao đổi về giải phóng mặt bằng và tái định cư.
- Theo ông, do đâu người dân bức xúc về việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư?
- Có nhiều nguyên nhân, song theo tôi, chủ yếu do chính sách và thực hiện đền bù, tái định cư có vấn đề.
- Theo quy định hiện hành, giá đất đền bù phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Khi thị trường có biến động, UBND cấp tỉnh phải điều chỉnh khung giá đất. Chẳng lẽ quy định này cũng "có vấn đề”?
- Về cơ bản, quy định này phù hợp, bởi giá đất đền bù giải phóng mặt bằng bước đầu tiếp cận giá thị trường, nhưng tại địa phương, việc thực thi chính sách đền bù nảy sinh nhiều vấn đề.
Nhiều địa phương “kê độn” (hỗ trợ thêm cho người được đền bù) ngoài phần hỗ trợ theo quy định khiến người dân ở các khu giải toả khác có sự so bì về lợi ích, dẫn đến khiếu kiện.
Việc này do các địa phương xác định giá các loại đất quá thấp so với giá thị trường nên buộc phải “kê độn” mới mong giải phóng mặt bằng. Tôi đã đi kiểm tra và được biết, tỉnh nào cũng thực hiện hỗ trợ vượt quy định.
- Giá đất các địa phương đền bù cho hộ dân phải giải phóng mặt bằng bằng khoảng bao nhiêu phần trăm giá thị trường?
- Tối đa chỉ 60 - 70% giá thị trường, trong khi Chính phủ quy định giá đền bù tối đa phải bằng 90% giá chuyển nhượng trên thị trường tại thời điểm thu hồi. Tại Hà Nội, Chính phủ quy định khung giá đất tối đa là 81 triệu đồng/m2, địa phương quy định giá đền bù tối đa chỉ là 54 triệu đồng/m2.
- Việc địa phương hạ giá đền bù đối phải có nguyên nhân nội tại của mỗi địa phương?
- Việc địa phương đưa ra khung giá đền bù tối đa thấp hơn khung giá Chính phủ quy định liên quan đến chính sách thu hút đầu tư của các địa phương. Địa phương nào cũng muốn thu hút vốn đầu tư nên giảm giá đền bù nhằm giảm áp lực tài chính với nhà đầu tư.
Chính phủ khuyến khích các địa phương “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, nhưng chính sách ưu đãi để thu hút phải đúng luật, không được “vượt rào”, đặc biệt không được “xé rào”. Chính phủ đã nhắc nhở các địa phương thực hiện ưu đãi thuế xé rào phải thực hiện nghiêm các quy định hiện hành.
- Có phải việc khiếu kiện còn do chính sách về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất?
- Nghị định 197/2004/NĐ-CP quy định, người dân phải trả lại mặt bằng và tái định cư thì được nhận nơi ở mới tốt hơn, tối thiểu phải bằng nơi ở cũ. Quy định thì như vậy, nhưng khi tôi đi kiểm tra tình hình thực tế tại một số địa phương thì thấy nhiều vấn đề không ổn.
Người dân đang sống, sinh hoạt ở những nơi thuận tiện, nhưng khi chuyển vào khu tái định cư thì họ bị “đẩy” vào nơi “thâm sơn cùng cốc”. Không ít khu tái định cư còn dở dang, có nơi thiếu cả 4 không: không đường, không điện, không nước, không dịch vụ công cộng. Tỉnh Hà Tây hiện có một số khu tái định cư bỏ hoang vì những nguyên nhân này. Theo tôi được biết, mỗi khu tái định cư bỏ hoang lãng phí khoảng 100 tỷ đồng.
- Theo ông, để giải quyết tình trạng khiếu kiện và lãng phí trong tái định cư phải làm gì?
- Đền bù phải tuân thủ cơ chế thị trường. Chuyển người dân vào khu tái định cư ngoài việc tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ, còn phải quan tâm đến thói quen, tập quán, văn hoá của họ.
Bình quân một hộ tái định cư được nhận hỗ trợ 400 - 500 triệu đồng. Theo tôi, nên để người dân lựa chọn, ai muốn vào tái định cư thì vào, ai có khả năng tự lo được chỗ ở mới phù hợp với quy hoạch thì trả thẳng tiền cho họ. Có như vậy, tự người dân sẽ biết cách làm cho đời sống của mình tốt hơn lên.
(Theo Đầu tư)