Sau Bình Dương và Đồng Nai, đến lượt Long An trở thành
điểm nóng được các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh địa ốc TP HCM chọn
làm đất hứa. Trong quý IV, nhiều dự án tại Long An đã được công bố và
bán ở Sài Gòn.
Sau Bình Dương và Đồng Nai, đến lượt Long An trở thành điểm nóng được các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh địa ốc TP HCM chọn làm đất hứa. Trong quý IV, nhiều dự án tại Long An đã được công bố và bán ở Sài Gòn.
Trong tháng 11, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long và CBRE đã công bố thỏa thuận hợp tác theo hình thức tư vấn cho hạng mục bán lẻ của dự án Khu đô thị Nam Long - Vàm Cỏ Đông. Hồi cuối tháng 5, Công ty Nam Long (chủ đầu tư) đã khởi công dự án này.
Theo chủ đầu tư, dự án rộng 355 hecta, tọa lạc tại huyện Bến Lức tỉnh Long An, được phát triển thành 4 giai đoạn với khoảng 37% đất được sử dụng để phát triển nhà ở gồm biệt thự, nhà phố, căn hộ cao cấp... Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phát triển dòng sản phẩm căn hộ giá "mềm" ngay trong dự án này như mô hình căn hộ EHome của Nam Long tại TP HCM.
Xu hướng đầu tư địa ốc lấn ra thị trường vùng ven lan rộng sang các doanh nghiệp khác. Một đơn vị kinh doanh địa ốc khác tại TP HCM là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cũng đầu tư vào dự án Làng sinh thái du lịch Eco Village, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án rộng 97 hecta đã được chủ đầu tư mở bán nền hôm 12/11.
Là doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm căn hộ giá trung bình khá tại TP HCM, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức cũng nhập cuộc đua kinh doanh đất vùng ven. Hôm 9/11, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức và Công ty cổ phần phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương đã mở bán dự án Long Hội City (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Dự án có tổng diện tích 54,48 ha, với tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng.
Điểm chung của các dự án bất động sản tại Long An là có bán kính cách TP HCM khoảng 40 km, kết nối giao thông với nhiều tuyến đường, cửa ngõ đi vào TP HCM và khu vực miền Tây thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Dự báo về tốc độ phát triển của các tỉnh lân cận TP HCM, Chủ tịch Công ty Nam Long, Nguyễn Xuân Quang nhận xét: “Mặc dù thị trường bất động sản đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong năm 2011 nhưng trong vòng vài thập niên tới, tiềm năng phát triển của các tỉnh lân cận TP HCM là rất lớn".
Theo ông Quang, do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh tại Việt Nam, và các bộ phận dân cư đang đổ dồn về sống tại khu vực thành thị. Tỉnh Long An vốn là khu vực mở rộng tự nhiên của TP HCM nên địa bàn này trở thành một điểm đầu tư được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản La Bàn, Huỳnh Dư An phân tích: "Các doanh nghiệp địa ốc TP HCM chuyển hướng sang bất động sản ở vùng ven giáp ranh phía Tây Sài Gòn vì từ địa phận huyện Bình Chánh đổ về miền Tây hạ tầng kết nối khá tốt khiến cho thời gian di chuyển về hướng này được rút ngắn lại".
Theo ông An, khi quỹ đất nội thành TP HCM cạn dần cũng là lúc hình thành các khu đô thị vệ tinh. Theo đó, những khu vực nào có hạ tầng hoàn thiện thường được săn lùng trước tiên. Tỉnh Long An có lợi thế kết nối với TP HCM qua hai hướng: quốc lộ 1A, đường cao tốc Trung Lương - TP HCM. Đoạn đường từ trung tâm TP HCM ra huyện Bình Chánh (cửa ngõ về các tỉnh miền Tây) cũng được hoàn thiện dần. Thêm vào đó, Long An có dự án khu giải trí Happy Land nên cũng khiến nhiều dự án khu đô thị lân cận tăng sức hút.
Chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, làn sóng đầu tư về khu vực vùng ven thuộc hướng Tây TP HCM có thể sẽ tăng lên do quỹ đất ở một số xã thuộc huyện Bình Chánh và đất Long An giáp ranh Sài Gòn còn nhiều. Ngoài ra, các khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh và tỉnh Long An cũng khiến cho tốc độ đô thị hóa ở khu vực này tăng nhanh trong thời gian tới. "Nếu đánh giá đúng nhu cầu thị trường, chọn đúng phân khúc và giá bán để tung sản phẩm thì các khu đô thị vệ tinh ở vùng ven TP HCM vẫn có sức hút rất lớn", ông An nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, dù địa ốc vùng ven có sức hấp dẫn lớn nhưng tỷ lệ rủi ro không nhỏ. Bởi lẽ, suất đầu tư này đòi hỏi người mua phải chôn vốn rất lâu, thời gian để một khu đô thị vệ tinh hình thành cũng rất dài, trung bình 3-5 năm thậm chí là 10 năm. Tính lệ thuộc hạ tầng của các dự án kiểu này cũng rất lớn, nếu hạ tầng không "chạy" thì dự án cũng đứng im theo. "Mua dễ bán khó cũng là một trong những yếu tố mà người mua và nhà đầu tư phải tính trước khi đổ tiền vào sản phẩm này", một chuyên gia nhận xét.
(Theo Vnexpress)