Thời điểm khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản sống dở chết dở, thậm chí có công ty phải phá sản. Song cũng không ít doanh nghiệp vẫn “sống đủ” nhờ đưa ra các chiến lược hoạt động phù hợp.
Thời điểm khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản sống dở chết dở, thậm chí có công ty phải phá sản. Song cũng không ít doanh nghiệp vẫn “sống đủ” nhờ đưa ra các chiến lược hoạt động phù hợp.
"Cái khó ló cái khôn"
Mới đây, ngày 26/11, Công ty CP bất động sản C.T Land (thành viên Tập đoàn C.T Group) cùng với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản đã khai mạc hội chợ mini bất động sản 2011 với chủ đề “Ba miền hội tụ - mua nhà đón Tết”. Theo đại diện C.T Land, việc tổ chức hội chợ mini nhằm tiết kiệm chi phí quảng bá sản phẩm, lại triển khai nhanh, dễ thu hút khách hàng. Đây là một trong số những biện pháp mà C.T Group muốn hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bởi hội chợ này sẽ một phần kích thích cung cầu thực sự, tạo hơi ấm mới cho thị trường địa ốc.
Trước đó, tập đoàn này cũng tổ chức thành công một hội chợ mini bất động sản tương tự tại quận 1, TP HCM, với sự góp mặt của 13 doanh nghiệp địa ốc hàng đầu trên địa bàn. Sau hơn 4 tuần khai mạc, hội chợ đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận nói chung và giới kinh doanh bất động sản TP HCM nói riêng.
Dù thị trường bất động sản ảm đạm gần như trong cả năm 2011 song Indochina Land vẫn thu lợi “khủng” khi doanh thu năm nay đạt trên 40 triệu USD, tương đương với năm ngoái.
Chìa khóa dẫn đến sự thành công trong chiến lược kinh doanh của Indochina Land năm 2011 là việc phân tán rủi ro, “không bỏ hết trứng vào 1 giỏ”. Trong khi một số nhà bất động sản nội địa cho ra mắt rất nhiều dự án cùng lúc và tương đối giống nhau về loại hình, phân khúc…, Indochina Land lại cung cấp ra thị trường ít dự án hơn với các sản phẩm đa dạng, thời điểm khai trương khác nhau. Trong cùng một thời điểm, doanh nghiệp này chỉ triển khai và ra mắt 2 – 3 dự án. Các dự án này có đặc điểm khác nhau từ vị trí, thiết kế, giá cả, đánh vào các tầng lớp khách hàng khác nhau…
Cuối năm ngoái, khi mà nhiều doanh nghiệp còn “mặn mà” với bất động sản nghỉ dưỡng phía Tây Hà Nội hay các tỉnh miền Trung, Indochina Land đột ngột tuyên bố “tạm thời chưa đầu tư tiếp vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng”, dù tiếp tục thành lập quỹ Indochina Land Holdings 3 với số vốn cam kết 180,3 triệu USD. Doanh nghiệp này đã sớm nhìn thấy cung cầu dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang rất vênh nhau và thực tế đã chứng minh điều đó khi nhiều dự án nghỉ dưỡng “chết mòn” vì ế khách.
Có những doanh nghiệp bất động sản khác lại sống được nhờ tích vốn phòng thân. Thông thường, nguồn vốn để các doanh nghiệp địa ốc hoạt động là từ ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Có không ít trường hợp ngân hàng mới là chủ đầu tư thực chất đứng đằng sau nhiều dự án nhà đất, còn doanh nghiệp bất động sản chỉ là chiếc bình phong che chắn.
Thế nhưng năm vừa qua, kinh tế khó khăn, ngân hàng chật vật, không rủng rỉnh vốn như trước, trong khi các dự án bất động sản xây lên không có người mua. Ngân hàng bắt đầu quay lưng với thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp vì thế đã không hoàn thành tiến độ dự án vì không xoay đâu ra vốn, nợ nần càng chồng chất.
Thế nhưng, vẫn có những doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để triển khai dự án, đảm bảo tiến độ, nhờ họ biết tích vốn phòng thân, không thụ động về tài chính. Có thể dễ dàng nhận mặt những công ty này, dựa vào tiến độ dự án và tốc độ bán hàng thời gian qua. Chẳng hạn, dự án FLC Landmark Tower tại Mỹ Đình, Hà Nội do Công ty CP đầu tư tài chính Ninh Bắc làm chủ đầu tư (đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng Hòa Bình) là một trong số ít những dự án có tiến độ thi công vượt kế hoạch hiện nay. Theo kế hoạch, các căn hộ sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng quý 1/2012.
Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp ngành xây dựng cuối tuần qua, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng phải thốt lên: “Việc doanh nghiệp bất động sản phá sản là chuyện bình thường. Tôi biết các anh đang rất khó khăn, thiệt thòi lắm nhưng biết làm sao được, phải chịu đựng thôi. Trong quy luật phát triển, bao giờ cũng có doanh nghiệp phát triển lên, có doanh nghiệp phá sản”.
Vì vậy mà không ai khác, chính doanh nghiệp phải là người tự cứu lấy mình trước, nếu không dự đoán được tình hình và đưa ra những chiến lược hoạt động, kinh doanh phù hợp.
Cắm nhà để lo thưởng Tết
Vài ngày nay, giới kinh doanh địa ốc TP HCM đang xôn xao việc ông Võ Thanh Hải, giám đốc một công ty xây dựng ở quận 10, TP HCM đã phải cầm cố căn nhà của mình cho ngân hàng để vay hơn 200 triệu đồng trả lương và thưởng cho công nhân tháng cuối năm. Như vậy có thể thấy các công ty bất động sản đang khó khăn đến mức nào.
Tại nhiều doanh nghiệp khác, tình cảnh cũng tương tự khi việc đảm bảo lương cho công nhân viên còn khó, nómi gì đến khoản thưởng. Doanh nghiệp nào khá hơn thì cố gắng duy trì tháng lương thứ 13 cho nhân viên, chứ không có chuyện thưởng từ vài tháng lương tới hàng trăm triệu đồng như các năm trước. Ông Lê Tấn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB cho biết, thưởng Tết năm nay của doanh nghiệp giảm hơn 50% so với năm ngoái, cao nhất chỉ được tháng lương thứ 13. Song dù khó đến đâu công ty cũng phải xoay thưởng để động viên nhân viên, đảm bảo cho họ một cái Tết không chật vật.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bất động sản thông báo sẽ thưởng tết khá khẩm cho nhân viên, như Sacomreal… Thậm chí Công ty địa ốc Phúc Khang còn tuyên bố sẽ thưởng tới 5 tháng lương cho nhân viên của mình – một con số khá xa xỉ với doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Chính việc chênh lệch thưởng Tết giữa các doanh nghiệp cùng ngành và khác ngành đã khiến nhiều nhân viên có tâm lý đợi nghỉ Tết xong sẽ nhảy việc, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản.
(Theo Đất Việt)