Mặc dù nhà ở xã hội luôn được nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài việc quá ít ưu đãi thì thủ tục cũng như mặt bằng làm dự án bị hạn chế khiến họ chần chừ muốn làm cũng khó.
Tại Hà Nội, cách đây hơn 6 năm, nhà ở xã hội (NƠXH phát triển dự án đầu tiên tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã tạo nên cơn sốt thì đến nay, số lượng dự án NƠXH chỉ dừng lại ở con số 11 dự án và chưa đến 10 doanh nghiệp tham gia với những tên quen thuộc như: Tổng Cty Viglacera, Tổng Cty HUD, Cty Handico 5… Những doanh nghiệp tư nhân còn lại đều “mắc cạn” với NƠXH khi dự án đã xây xong nhưng không bán được. Nguyên nhân chính bởi dự án ở xa so với trung tâm Hà Nội. Trong khi đó, nhiều dự án có vị trí đẹp vẫn tái diễn cảnh người dân xếp hàng bốc thăm mua nhà.
Trước những mâu thuẫn về NƠXH, chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) - đơn vị có 10 năm chuyên làm nhà ở cao cấp phân tích, hiện, mục tiêu Chính phủ chuyển phân khúc cao cấp sang NƠXH là đúng đắn bởi nhu cầu phân khúc nhà giá rẻ nhiều và nguồn cung ít. Vì vậy, Chính phủ có cơ chế chính sách và bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Tuy nhiên, ông Hiệp lo lắng bởi hiện nay, Hà Nội chưa có tổng kết về NƠXH sau nhiều năm triển khai để xem có những điều làm được và chưa làm được. “Tôi cho rằng có những điều kiện chưa thật chuẩn lắm về quản lý. Đây mới là lời kêu gọi nhưng doanh nghiệp muốn làm NƠXH nhưng không biết làm dự án nào. Vì vậy, cơ hội làm NƠXH không phải ai cũng có. Bên cạnh đó, vị trí làm NƠXH rất quan trọng. Hiện, vị trí đất ở đâu làm NƠXH ở đâu không ai trả lời cho doanh nghiệp. Chúng tôi làm nhà đầu tư, nếu như làm NƠXH ở xa rất khó. Mâu thuẫn nhưng chúng ta chưa giải quyết được nên khó khiến doanh nghiệp mặn mà làm NƠXH”, ông Hiệp nói.
Đại diện Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí, chủ đầu tư dự án NƠXH Pháp Vân- Tứ Hiệp cho rằng, nhà nước nên tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua sẽ giúp giải quyết được bài toán thanh khoản cho NƠXH. Cụ thể, chính sách vốn ưu đãi cho người mua phải lâu dài và không đứt đoạn. Vị này cho rằng, muốn hấp dẫn chủ đầu tư xây dựng nhiều NƠXH, bản thân người duyệt hồ sơ thủ tục cho doanh nghiệp phải tạo điều kiện thì dự án mới sớm đưa ra được thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư dự án NƠXH Kiến Hưng và Ngô Thì Nhậm cho hay: “Chúng tôi hoàn thành xong 2 dự án NƠXH nhưng hiện có muốn làm cũng không có đất mà làm. Chúng tôi cũng không biết, mục tiêu làm NƠXH của thành phố thế nào và quy hoạch chỗ nào làm dự án. Doanh nghiệp bối rối vì không có sự định hướng rõ ràng”.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, phát triển NƠXH tạo ra nhiều cơ hội cho người thu nhập thấp đô thị sở hữu được ngôi nhà mơ ước. Tuy nhiên, trong quá trình làm xảy ra nhiều bất cập. Bản thân Sở Xây dựng sẽ ưu tiên việc phát triển NƠXH xa trung tâm thành phố có hạ tầng tốt bởi thực tế NƠXH là những khu nhà đông dân cư, nếu dồn vào trung tâm lại gây ra ách tắc đô thị. Nhưng việc này cũng tạo ra nghịch lý là dự án ở xa lại không bán được. Hiện, Hà Nội đang nghiên cứu để xây dựng những khu NƠXH tập trung với đầy đủ hạ tầng cho người mua nhà.