Theo Bloomberg, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân và nhà nước của Việt Nam đạt trung bình 5,7% GDP trong những năm gần đây, là tỷ lệ cao nhất trong các nước Đông Nam Á và gần bằng mức 6,8% của Trung Quốc.
Indonesia và Philippines chi ít hơn 3% GDP còn Malaysia và Thái Lan thì chi khoảng 2% GDP cho cơ sở hạ tầng.
ADB ước tính các nền kinh tế mới nổi trong khu vực sẽ cần đầu tư 26.000 tỉ USD đến năm 2030 để xây dựng mạng lưới giao thông vận tải, tăng cường cung cấp điện... Việt Nam, một trong những nước đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút thêm giới đầu tư ngoại, định hình bản thân là ''con hổ'' mới ở châu Á.
“Chính phủ Việt Nam hiểu rằng nếu họ muốn cạnh tranh giành dòng vốn đầu tư, giá nhân công rẻ thôi là chưa đủ. Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để thu hút các doanh nghiệp đến đặt nhà máy. Sự phát triển cơ sở hạ tầng đang tốt với nhiều sân bay và đường sá mọc lên khắp cả nước”, nhà kinh tế Eugenia Victorino tại Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore cho biết.
Bloomberg: Việt Nam đi đầu trong cuộc đua cơ sở hạ tầng ở châu Á
Những nỗ lực của chính phủ đang được đền đáp xứng đáng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến mức kỷ lục 15,8 tỉ USD năm 2016 và kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là tăng trưởng hơn 6% từ nay đến năm 2019. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng top trong thập niên này.
Thách thức quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt là không nhỏ. Giám đốc phát triển kinh tế Rana Hasan của ADB cho hay tỷ lệ đầu tư tư nhân vào chi tiêu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có thể dưới mức 10%. Tại Ấn Độ, khu vực tư đóng vai trò lớn hơn khi chiếm 30% tổng số vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.
Các nước châu Á khác cũng đang đẩy nhanh kế hoạch để bắt kịp Việt Nam. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa bắt tay thực hiện mục tiêu tham vọng là đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng lên 7% GDP, tương đương 160 tỉ USD, đến năm 2020. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chỉ đạo tăng tốc các dự án của chính phủ, bao gồm việc xây đường cao tốc nối kết các hòn đảo chính và xây tuyến đường sắt dài 720 km từ thủ đô Jakarta đến Surabaya.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay các nước châu Á phải chi 26.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng trước năm 2030 để chiến đấu với đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu.