Nhiều dự án xây dựng chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt; chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều tranh chấp trong quá trình thực hiện.. khiến vốn đầu tư bị lãng phí và dự án kém hiệu quả.
Nhiều dự án xây dựng chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt; chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều tranh chấp trong quá trình thực hiện.. khiến vốn đầu tư bị lãng phí và dự án kém hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết như vậy tại Hội thảo “Phát triển đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng vừa tổ chức tại Hà Nội.
1001 lý do chậm tiến độ
Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, sở dĩ các dự án chậm tiến độ do quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư liên quan đến chủ đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công xây lắp... còn nhiều điểm chồng chéo chưa phù hợp.
“Mới đây đoàn công tác xây dựng đến Hải Dương khảo sát, một tỉnh nhỏ như vậy mà thủ tục chuẩn bị đầu tư trình xây dựng nhỏ nhất cũng tới 17 con dấu dẫn tới quá trình thủ tục kéo dài. Một công ty TNHH với đầy đủ chức năng từ tư vấn, giảm sát, thi công, xây lắp... mà chỉ có 3 nhân viên, 1 giám đốc và 2 phó giám đốc. Giám đốc cũng mới học xong lớp 7... Với thủ tục đầu tư và chủ đầu tư như vậy thì làm sao mà công trình không chậm tiến độ”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm, khâu đền bù giải phóng mặt bằng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm tiến độ dự án như hiện nay. Việc thực hiện “mặt bằng sạch” rất ít dự án được thực hiện, đặc biệt là vai trò của các địa phương: với trách nhiệm là chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng với sự tham gia của nhiều ban ngành nhưng hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.
“Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội, dự án vành đai 1 đến chục năm nay vẫn chưa xong do khâu đến bù giải phóng mặt bằng chậm chễ”, ông Hùng cho hay.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaconex cho rằng, giải phóng mặt bằng luôn là một bài toán phức tạp đối với bất cứ chủ đầu tư nào khi triển khai dự án ở Việt Nam do tính chất rộng lớn, đòi hỏi phải triển khai đồng loạt và dứt điểm. Trong một số trường hợp không xử lý khéo dễ dẫn đến tình trạng bất bình của chính quyền, người dân khu vực và là nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án “treo”, đình trệ, chậm tiến độ triển khai.
Bổ sung thêm chế tài xử phạt
Theo ông Trần Ngọc Hùng, mặc dù Chỉnh phủ đã ban hành Nghị định số 53 (4-4-2007) về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và Nghị định số 23 (27-2-2009) về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản... nhưng đến nay hầu hết các chủ đầu tư và nhà thầu chưa thấy ai xử phạt. Vì vậy, cần bổ sung các quy định và chế tài đủ mạnh đối với chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, thi công.
Ông Phạm Văn Khương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong mỗi nội dung, mỗi khâu công việc, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, giữa các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã, chủ động trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đọi ngũ cán bộ quản lý và thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu và nhiều vụ theo quy định và tăng cường thực hiện công tác thanh kiểm tra trong việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, nghiệm khắc xử lý các trường hợp vi phạm quy định.
Ông Lê Đức Vinh – Vụ kế hoạch, Bộ Công thương cũng đề xuất với các cơ quan làm Luật Xây dựng phải có chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức, cá nhận hoạt động tư vấn xây dựng. “Hiện nay, các tổ chức và cá nhân tư vấn hầu như không chịu trách nhiệm khi khảo sát thiếu hoặc tính sai, trừ trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng như đổ, sập công trình”, ông Vinh chia sẻ.
(Theo Tienphong )