Nếu chu kỳ hai cơn sốt giá BĐS lần trước (6 - 7 năm) được lặp lại, cơn sốt sắp tới (thứ tư) sẽ đến vào khoảng năm 2013.
Nếu chu kỳ hai cơn sốt giá BĐS lần trước (6 - 7 năm) được lặp lại, cơn sốt sắp tới (thứ tư) sẽ đến vào khoảng năm 2013.
Trước khi dự báo, xin cung cấp một số thông tin về dân số và nhà ở từ kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009.
Dân số tại thời điểm 1/4/2009 là 85.789.573 người (nông thôn 60.415.311 người, thành thị 25.379.262 người). Các con số này cho thấy:
1/ Việt Nam có số dân đông đứng thứ 13 trong tổng số 218 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới;
2/ Trong khi diện tích chỉ đứng thứ 64, mật độ dân số của Việt Nam thuộc loại cao (260 người/km2, cao gấp đôi mật độ của Đông Nam Á, của châu Á và gấp trên 5 lần của thế giới );
3/ Do tỷ lệ sinh còn cao, nên hằng năm dân số vẫn còn tăng trên 1 triệu người, nhiều hơn dân số của 52 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện nay. Đó là chưa nói số Việt kiều từ nước ngoài trở về đầu tư, làm việc hoặc do sự bất ổn về thiên tai… mong muốn định cư lâu dài ở Việt Nam gia tăng;
4/ Tỷ lệ dân số thành thị đã gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây, nhưng hiện còn ở mức thấp (29,6%), đứng thứ 171 trên thế giới, nên sẽ gia tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ dân số thành thị tăng, mức sống cao lên, nhu cầu về đất ở (và các diện tích dịch vụ như cây xanh, đường sá, các công trình khác) tăng lên.
Thống kê lịch sử cho thấy, tính từ năm 1993 đến nay, giá bất động sản (BĐS) đã qua hai cơn sốt rưỡi: Cơn sốt thứ nhất vào năm 1993 - 1994, cơn sốt thứ hai vào năm 2001 - 2002, cơn sốt thứ hai rưỡi vào cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 (người viết gọi cơn sốt này là cơn sốt thứ hai rưỡi bởi thời gian diễn ra ngắn, diễn ra cục bộ ở một số địa bàn, một số phân khúc).
Nếu chu kỳ hai cơn sốt giá BĐS lần trước (6 - 7 năm) được lặp lại, cơn sốt sắp tới (cơn sốt thứ tư) sẽ đến vào khoảng năm 2013. Tuy nhiên, do cơn sốt thứ ba chỉ diễn ra nửa chừng (như ở trên đã gọi là cơn sốt thứ hai rưỡi), nên có thể nửa cơn sốt còn lại sẽ kết hợp với cơn sốt thứ tư để đến sớm hơn, có thể bắt đầu lên dốc ngay từ năm 2010 này và đạt đỉnh vào năm 2011 - 2012. Dự đoán này xuất phát từ một số căn cứ chính.
Giá nhà ở và vật liệu xây dựng từ tháng 3.2010 đã tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng (tháng ba là 1,38% so với 0,75%, tháng tư là 2,51% so với 0,14%, sau 4 tháng - tháng 4/2010 so với tháng 12/2009 - đã tăng 7,5% so với 4,27%).
Giá BĐS tăng không chỉ lan từ ngoại thành vào nội thành, mà còn lan ra các thành phố, thị xã, thị trấn của các tỉnh khác. Giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp cao gấp 5 lần mức trước đây cũng góp phần kéo mặt bằng chung lên.
Chính sách tiền tệ-tài khóa chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng với nhiều biểu hiện. Mặt bằng lãi suất đang được kéo xuống. Tốc độ tăng giá tiêu dùng chậm lại, nên lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống, lượng tiền từ thị trường này sẽ tăng lên về khối lượng, thời gian thu hồi dài hơn.
Tốc độ tăng dư nợ tín dụng tăng từ tháng 3, tháng 4 và sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới với mục tiêu tăng 25% tính đến cuối năm, cao gấp gần 4 lần tốc độ tăng GDP theo mục tiêu.
Giá vàng trong nước tăng/giảm theo giá thế giới, sau 4 tháng giá vàng giảm 4,53%. Giá USD cơ bản ổn định, 4 tháng đầu năm tăng 1,22%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng 4,27% .
Vấn đề còn lại hiện nay chủ yếu là thị trường chứng khoán. Thị trường này trong tháng 4 đã tăng khá, các nhà đầu tư đang kỳ vọng còn tăng cao hơn trong tháng 5. Các nhà đầu tư có vốn lớn, nếu đã thu lãi cao trong tháng 4 và thu được lãi cao hơn trong tháng 5 trên thị trường chứng khoán thì sẽ chuyển vốn sang đầu tư trên thị trường BĐS.
Điều quan trọng là tăng trưởng kinh tế sau khi thoát đáy vượt dốc đi lên vào cuối năm 2009, cao hơn nữa vào quý 1/2010, và đang có xu hướng tiến tới phục hồi vào 2011, phục hồi vững chắc vào năm 2012. Sự phục hồi này đòi hỏi thị trường BĐS phục hồi sớm hơn.
Vì vậy có khả năng thị trường BĐS sẽ ấm lên ngay từ bây giờ (bắt đầu từ giao dịch gia tăng, sau đó là giá cả, bắt đầu từ ấm, sau đó sang nóng, sốt).
(Theo TNTT>)