Để thu hồi vốn và bù vào nguồn lương chi trả nhân công, nhiều chủ nhà nghỉ tại Hà Nội phải chuyển hướng cho thuê làm phòng ở.
Từng được coi là mảng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng khó khăn kinh tế đã khiến lượng khách đến nhà nghỉ sụt giảm mạnh.
Để thu hồi vốn và bù vào nguồn lương chi trả nhân công, nhiều chủ nhà nghỉ tại Hà Nội phải chuyển hướng cho thuê làm phòng ở.
Với giới kinh doanh nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội, chuỗi thời gian tháng 12 và tháng Chạp vẫn được xem như tháng “củ mật” nhờ lượng khách gia tăng đột biến trong các dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch. Khi cung không đủ cầu, chủ nhà nghỉ thường tự ý thực hiện hành động “phá rào” đẩy giá cao đột ngột mà vẫn bội thu khách.
Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước đây, còn ở thời điểm này hoạt động kinh doanh nhà nghỉ cũng đang phải gồng mình chống chọi với tác động xuất phát từ khó khăn chung về mặt kinh tế. Theo nhiều chủ kinh doanh tại các khu vực nổi tiếng là Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Cừ, Thái Hà, Láng Hạ…lượng khách đến trong các dịp giải trí lớn vừa qua đều sụt giảm 40 - 60% so với cuối năm 2010, dù mức giá được giữ ổn định 100.000 đ/2 giờ, hoặc 250.000 đ/đêm tùy khu vực.
Do lượng khách suy giảm nhiều, hầu hết chủ kinh doanh đều chịu cảnh thu không bù chi cho việc duy trì hoạt động hàng ngày. Để thu lại vốn và có nguồn kinh phí tạm chi trả cho hàng chục nhân công lễ tân, dọn phòng…không ít nhà nghỉ buộc phải chuyển hướng sang cho hộ gia đình thuê cả tầng nhà, hoặc cho các cá nhân thuê phòng làm chỗ ở với mức giá rẻ như nhà trọ sinh viên (1,5 - 2 triệu/phòng) trong lúc chờ qua cơn “hạn khách”.
Anh Hưng, một trong số những chủ lớn hiện đang sở hữu 3 nhà nghỉ trên khu vực phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) cho biết đã phải đăng tin trên báo mua và bán, treo biển cho thuê nhà sau khi trải qua cảnh đìu hiu đón chưa đầy 10 khách/ngày dịp Tết Âm lịch, trong khi để không lỗ trung bình mỗi ngày cần kiếm được 3 triệu mới đủ chi trả cho lực lượng nhân viên làm việc tại đây.
Chủ nhà nghỉ chấp nhận giảm doanh thu cho thuê làm phòng ở, nhưng giải pháp này cũng khó triển khai do nhiều người có tâm lý ngại vào nhà nghỉ thuê làm chỗ ở dù mức giá thuê nhiều chủ đưa ra còn thấp hơn giá thuê nhà đang được áp dụng tại các khu vực có đông người lao động ngoại tỉnh, sinh viên theo học.
Đau khổ nhất trong thời vắng khách là những người mới “chân ướt chân ráo” gia nhập lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ. Có nhiều người dốc tất cả tiền của tích góp, vay thêm ngân hàng để xây dựng nhà nghỉ khang trang với mức giá xây dựng 5-8 tỷ. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động lại đúng thời khách suy giảm nên chủ nhà chỉ còn nước vò đầu bứt tai lo trả lãi cũng đủ kinh hãi.
Theo lời chủ nhà nghỉ tên Thành kinh doanh tại đầu cầu Chương Dương, để có được cái nhà nghỉ cao gần 10 tầng khai trương vào giữa năm 2011 gia đình anh đã phải vay mượn đủ kiểu mới có được 6 tỷ đồng với mong muốn nguồn thu của gia đình sẽ sớm được cải thiện.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khai trương lượng tiền thu về chẳng đủ trả tiền nhân công làm việc vì khách đến thuê chỉ ở mức trung bình chưa đầy 10 khách/hơn 20 phòng. Chẳng còn đường lùi, giờ anh Thành buộc phải giảm bớt đến 70 % nhân lực, đồng thời huy động hầu như tất cả người nhà chịu khó “đóng thế” nhằm giảm bớt khung lương tháng trong lúc chờ qua giai đoạn khó khăn. Ngoài giải pháp dùng nguồn lực tự có, chủ nhà nghỉ này cũng đang tính phương án bỏ riêng 2-3 tầng cho hộ gia đình hoặc các công ty thuê làm văn phòng để có thêm chi phí trả lãi ngân hàng.
(Theo Dân Trí)