Dự án Ellipse Tower (110 Trần Phú, Q.Hà Đông, Hà Nội), do Công ty CP bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư vẫn còn nhiều hạng mục chưa xong nhưng chủ đầu tư liên tục thúc người mua đóng tiền đợt cuối để nhận nhà.
Vừa thi công vừa giục khách nhận nhà
Khởi công từ 2009, dự kiến giao nhà vào 2012, nhưng đến đầu năm 2017, dự án Ellipse Tower (110 Trần Phú, Q.Hà Đông, Hà Nội), do Công ty CP bất động sản (BĐS) Thăng Long làm chủ đầu tư vẫn còn nhiều hạng mục chưa xong. Tuy nhiên, phản ánh đến báo chí, nhiều cư dân cho biết chủ đầu tư liên tục thúc đóng tiền đợt cuối để nhận nhà trong khi hạ tầng công trình vẫn còn be bét. Sảnh tầng 1 chưa hoàn thiện, thang máy vẫn phải có bảo vệ túc trực, chưa lắp kính ở sảnh chính...
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BĐS Thăng Long, thừa nhận đã bàn giao nhà chậm so với thời hạn trong hợp đồng mua bán. Trả lời về vấn đề công trình chưa đảm bảo an toàn đã cho dân vào ở, ông Dũng khẳng định đã có đủ các thủ tục giấy tờ để bàn giao nhà, kể cả chứng nhận an toàn PCCC. Nhưng khi được đề nghị cung cấp thì chủ đầu tư không đưa ra được.
Dự án chung cư Ruby Tower Định Công (P.Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bàn giao nhà cho hàng chục hộ dân dọn vào ở trước Tết Nguyên đán vừa qua trong khi đến thời điểm này công trình vẫn đang thi công, chưa nghiệm thu PCCC. Nhiều khách hàng buộc phải chấp nhận vì áp lực về chỗ ở. Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện chủ đầu tư, cũng thừa nhận đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở khi công trình không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, bà Thủy ngụy biện rằng việc bàn giao là để cho cư dân vào sửa chữa, lắp đặt nội thất. “Mà trong thời gian lắp đặt nội thất, cư dân ở lưu trú lại là chuyện bình thường”, bà Thủy nói.
Ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND P.Định Công, xác nhận đã báo cáo vụ việc lên UBND Q.Hoàng Mai để có phương án xử lý. Theo ông Long, vụ việc này thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị cấp phép công trình nên phải có trách nhiệm. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho rằng UBND P.Định Công cũng có trách nhiệm trong việc để cho cư dân vào ở chung cư Ruby Tower Định Công khi chưa đảm bảo an toàn, quận sẽ cùng với phường phối hợp xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Sau khi có chỉ đạo từ UBND Q.Hoàng Mai, ông Nguyễn Cường Hùng, Phó chủ tịch UBND P.Định Công, cho biết đã kiểm tra, lập biên bản đề xuất lên UBND Q.Hoàng Mai phạt chủ đầu tư ở khung 80 - 100 triệu đồng và chưa cấp tạm trú tạm vắng cho những người dân đã vào chung cư này ở.
Cơ quan chức năng Q.Hoàng Mai chưa biết xử lý ra sao trường hợp chung cư
Ruby Tower Định Công cho dân vào ở khi chưa đủ điều kiện
Bàn giao để né phạt lãi
Cách đây không lâu, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Gemek Tower (khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, H.Hoài Đức, Hà Nội) của Công ty CP xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Công ty CP BĐS Mê Kông (Mekong Land) cũng bất ngờ khi được chủ đầu tư thông báo đến nhận nhà. Tuy nhiên, tòa nhà vẫn đang trong quá trình thi công, trần bị thấm dột, sàn nhà chưa lát, thiết bị vệ sinh đang lắp dở, ban công trên tầng cao chưa có lan can, nhiều hạng mục bị lỗi do thi công ẩu, sai thiết kế căn hộ, hệ thống PCCC chưa lắp xong... Tức giận, nhiều khách hàng từ chối nhận và yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao nhà hoàn thiện.
Người dân cần phản ánh đến cơ quan chức năng để được can thiệp, chấn chỉnh, đảm bảo quyền lợi. Trường hợp nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm, cơ quan chức năng sẽ phải xử lý phạt hành chính. Đồng thời, những chủ đầu tư làm ăn bậy bạ, công trình không đảm bảo điều kiện bàn giao phải được lập danh sách quản lý, công khai rộng rãi
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT
|
Nhiều người mua nhà cho biết dự án trên có 2 tòa tháp cao 34 tầng với 994 căn hộ, khởi công từ quý 2/2014, dự kiến hoàn thành vào quý 2/2016 nhưng do chậm tiến độ, không thể bàn giao như dự kiến. Để tránh bị phạt lãi giao nhà chậm theo hợp đồng mua bán, chủ đầu tư đã “lách” bằng cách gửi thông báo bàn giao nhà dù công trình vẫn đang thi công. Mức lãi suất phạt không nhiều nhưng với gần 1.000 căn hộ, chủ đầu tư sẽ thiệt hại nặng.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng người mua nhà có thể từ chối nhận nhà nếu công trình chưa đủ điều kiện theo hợp đồng mua bán. Nếu bị chủ đầu tư ép nhận nhà, có thể phát đơn kiện ra tòa án để được đảm bảo quyền lợi. “Tuy nhiên, ở nước ta, thói quen phát đơn kiện ra tòa án chưa phổ biến mà thông thường hay sử dụng biện pháp can thiệp hành chính của các cơ quan chức năng. Người dân cần phản ánh đến cơ quan chức năng để được can thiệp, chấn chỉnh, đảm bảo quyền lợi. Trường hợp nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm, cơ quan chức năng sẽ phải xử lý phạt hành chính. Đồng thời, những chủ đầu tư làm ăn bậy bạ, công trình không đảm bảo điều kiện bàn giao phải được lập danh sách quản lý, công khai rộng rãi”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật sư BQH thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, nếu chủ đầu tư bàn giao nhà chưa đủ điều kiện, chế tài phạt chỉ không quá 100 triệu đồng. Mức phạt này không cao, không đủ sức răn đe. Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, cho biết việc các tòa nhà không đảm bảo an toàn PCCC nhưng vẫn cho người dân sinh sống rất phổ biến. Lực lượng PCCC liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý sai phạm. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư cố tình không chấp hành các điều kiện về an toàn PCCC, chây ì, khó xử lý. Cảnh sát PCCC cũng thường xuyên cập nhật danh sách những công trình vi phạm về an toàn PCCC, công khai để người dân cùng biết.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết sẽ kiểm tra thông tin, xác định được vi phạm sẽ xử lý. Việc chủ đầu tư cho người dân vào ở công trình chưa đủ điều kiện, nếu xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.