Giá nguyên vật liệu tăng, lãi suất đầu vào cao khiến giá thành xây dựng đội lên nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn chủ động giảm giá sản phẩm. Đây là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng, giá bất động sản tại TPHCM đã chạm đáy.
Giá nguyên vật liệu tăng, lãi suất đầu vào cao khiến giá thành xây dựng đội lên nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn chủ động giảm giá sản phẩm. Đây là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng, giá bất động sản tại TPHCM đã chạm đáy.
Khó giảm thêm
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức phân tích, theo chủ trương thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho bất động sản (BĐS) đến tháng 6/2011 còn tối đa 22% so với tổng dư nợ và đến cuối năm tiếp tục giảm còn tối đa 16%. Điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà cho cả người dân trong việc tiếp cận vốn vay để mua nhà. Trong trường hợp vay được, gánh nặng lãi suất cũng khiến họ e ngại. Hệ lụy là thị trường địa ốc càng trầm lắng. Hiện có đến 60 - 70% dự án (DA) bị đình trệ, rơi vào trạng thái chờ hoặc giãn tiến độ do thiếu vốn.
Phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Lê Quốc Duy cho biết, do thị trường BĐS gặp khó khăn nên nhiều chủ đầu tư (CĐT) phải công bố giá bán sát với giá thành, thậm chí chấp nhận lỗ vốn. Có thể nói, mọi chi phí cho DA đều tăng mạnh. Đơn cử như định giá đất theo hướng mới khiến chi phí của DA tăng lên; chi phí cho bộ máy quản trị cũng tăng. Đặc biệt chi phí xây dựng chính là thép, xi măng, kể cả các loại vật tư phụ như cát, đất, gạch lót tường... đã tăng rất mạnh khiến giá thành đội lên cao hơn so với năm 2010. Đó là lý do, DN khó có thể cắt giảm giá nhà thấp hơn nữa.
Theo tính toán của các chuyên gia xây dựng, hiện giá vật liệu xây dựng đã tăng bình quân từ 25 - 30%, khiến chi phí xây dựng 1m2 căn hộ lên đến 14 - 15 triệu đồng, thay vì khoảng 10 triệu đồng như trước. Giá nhà thương phẩm còn cao hơn vì ngoài giá xây dựng còn quá nhiều chi phí như giá đất, tiền lãi vay NH... cũng đã tăng lên.
Nếu như trước đây, để giảm giá thành căn hộ, các CĐT thường cắt giảm, thay thế một số loại vật liệu xây dựng phụ trợ như gạch lát nền, xi măng, nhôm kính; giảm bớt diện tích công cộng, đầu tư hạ tầng, thay đổi thiết kế để tiết kiệm trong thi công; tiếp theo đó là cắt giảm, thay thế một số thiết bị, vật liệu xây dựng hoàn thiện trong nhà như: hệ thống điện, bếp, vệ sinh, gạch… nhưng nay những loại vật liệu này cũng tăng mạnh, từ 15 - 20% nên CĐT muốn tiết kiệm thêm cũng bó tay.
Cơ hội mua vào
Giá BĐS khó có thể giảm thêm, nhu cầu thực sự về nhà ở lớn nhưng lực cầu vẫn không tăng, đây chính là nghịch lý trên thị trường BĐS hiện nay. Lý do là người mua vẫn có tâm lý chờ giá giảm thêm khi một số CĐT chủ động giảm giá.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Duy, lúc này thị trường đang khó khăn, nên nhiều CĐT địa ốc phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, bán với giá gốc, thậm chí lỗ vốn để "đẩy" hàng, lấy tiền trả lãi vay NH. Nhưng đến lúc không chịu nổi, CĐT buộc phải tăng giá bán trở lại. Vì vậy, đây là cơ hội để mua BĐS với giá tốt.
Trên thực tế, hiện đã có sự rục rịch tăng giá tại một số DA do lúc đầu mức giá mà CĐT đưa ra quá thấp để huy động vốn làm DA. Nay họ điều chỉnh giá tăng lên để chống chọi với lãi suất. Cũng có DA, do sự quan tâm của khách hàng nên quyết định tăng giá. Đơn cử như DA Hoàng Kim Thế Gia (Q.Bình Tân), trước đây khoảng 16 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên khoảng 19 triệu đồng/m2. Hay như DA số 10 Âu Cơ, Auco Towe, Quang Thái (Q.Tân Phú)... cũng đã tăng giá bán.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, thị trường trầm lắng một thời gian dài là cơ hội cho người mua ở lựa chọn sản phẩm có chất lượng phù hợp với nhu cầu. Lúc này là thị trường của người mua, chứ không phải của người bán như trước đây. Hiện nay khách hàng có quyền “mặc cả” với CĐT để tìm cho mình những căn hộ chất lượng, với nhiều tiện ích, cảnh quan, môi trường, phong thủy, với giá tốt nhất.
“Hiện khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, với mức giá cũng tốt hơn nếu so sánh với mức trượt giá của đồng tiền và sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng khác”, ông Châu tính toán.
(Theo Thanh Niên)