“Giá đất do Nhà nước quy định chỉ bằng từ 30% tới 60% giá đất chuyển nhượng thực tế. Nhà nước vẫn chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường."
“Giá đất do Nhà nước quy định chỉ bằng từ 30% tới 60% giá đất chuyển nhượng thực tế. Nhà nước vẫn chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường."
Theo nguồn tin tử bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 15.2, bộ này vừa hoàn thành dự thảo Chiến lược Phát triển ngành Quản lý đất đai Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Một trong những điểm lưu ý nhất trong dự thảo chiến lược này là bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay, công tác định giá đất vẫn chưa sát giá thị trường.
“Giá đất do Nhà nước quy định chỉ bằng từ 30% tới 60% giá đất chuyển nhượng thực tế. Nhà nước vẫn chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường để làm cơ sở định giá phù hợp”, bản dự thảo này nêu.
Theo bộ Tài nguyên và môi trường, thị trường đất đai hiện còn bị các yếu tố đầu cơ chi phối cho nên hình thành những xu hướng, những biến động cực đoan, nhất là tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp và những nơi mà sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đang diễn ra mạnh mẽ.
Một chuyên gia trong ban soạn thảo nói “Đầu cơ đất đai đã trở thành phổ biến với những quy mô khác nhau, gây nên những cơn sốt trên thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng cao một cách bất hợp lý”
Đáng chú ý, theo số liệu thông kê trong bản dự thảo, giai đoạn 1994 - 1998, tổng thu từ đất khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Sang năm 1999, tổng thu đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Năm 2009, con số này vọt lên 45.405 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nguồn thu từ đất liên tục tăng, song vẫn chưa tương xứng với với tiềm năng quỹ đất.
Các tác giả bản dự thảo cũng cho rằng, chính sách thuế và phí trong lĩnh vực quản lý đất đai chưa điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước. Các chính sách này chưa trở thành công cụ quản lý thị trường để chống đầu cơ về đất đai. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành.
Cũng theo văn bản trên, bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, trong 10 năm tới đây, bộ này sẽ điều tra, khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, các nông lâm trường quốc doanh và các tổ chức sự nghiệp công, tình hình giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân.
“Đến năm 2030, bộ sẽ tiếp tục xây dựng các luật chuyên ngành về đất đai và tự động hóa, tin học hóa toàn bộ hệ thống quản lý đất đai trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong xây dựng, quản lý”, một chuyên gia trong tổ soạn thảo cho biết.
(Theo SGTT)