Trong tháng đầu năm, giá thép tăng 300.000 đồng đến 800.000 đồng mỗi tấn. Dự báo tháng tới, trước sức ép của tỷ giá đôla, phôi và thép phế trên thế giới tăng cao, giá thép sẽ còn tiếp tục biến động.
Trong tháng đầu năm, giá thép tăng 300.000 đồng đến 800.000 đồng mỗi tấn. Dự báo tháng tới, trước sức ép của tỷ giá đôla, phôi và thép phế trên thế giới tăng cao, giá thép sẽ còn tiếp tục biến động.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho hay, trong tháng 1, lượng tiêu thụ thép ước khoảng 330.000-440.000 tấn mỗi năm. Giá thép trong tháng đầu năm biến động mạnh, tăng khoảng 300.000 đến 800.000 đồng mỗi tấn. Trên thị trường, giá bán thép hiện ở mức 15,5 triệu đồng đến 16,3 triệu đồng mỗi tấn (chưa bao gồm VAT, phí vận chuyển).
Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, vừa qua, giá thép vật liệu trên thế giới tăng tới 30% do trận lụt tại Australia đã chặn nguồn cung than đá, nguyên liệu chủ yếu trong ngành luyện thép. Tại thị trường Trung Quốc, giá đồng loạt tăng trong những ngày đầu năm 2011 do giá quặng sắt nhập khẩu tăng. Thép tại thị trường Ấn Độ cũng tăng 33,2 USD mỗi tấn trong tháng 1. Tại Nhật Bản, giá tuần qua cũng duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng. Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, sức tăng của tỷ giá và tình hình lũ lụt ở Australia đẩy giá than tăng cao làm cho thị trường thép trong nước có dấu hiệu nóng lên.
Hiệp hội Thép cho rằng, giá phôi thế giới tăng mạnh trong thời gian qua khiến thép trong nước biến động. Giá phôi thép tại Sở giao dịch kim loại London dao động từ 557 - 560 USD mỗi tấn, tăng 10 USD so với đầu tháng. Giá phôi Biển Đen cũng tăng cao, ở quanh mức 660 USD mỗi tấn, tăng hơn 50 USD so với thời điểm trước Lễ Giáng sinh. Giá thép phế từ 450 USD lên 500 USD mỗi tấn.
Ông Nghi cho rằng, lượng tiêu thụ thép trong tháng 2 dự đoán sẽ giảm, còn khoảng 350.000-370.000 tấn do ảnh hưởng của dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, sức ép tăng giá của phôi và thép phế trên thế giới cùng ảnh hưởng của trận lụt tại Australia khiến giá thép trong tháng 2 còn biến động.
Ngoài ra, Hiệp hội Thép cho rằng, ngành thép đang phải vay với lãi suất rất cao. "Nhiều doanh nghiệp thép đang phải vay với lãi suất 17%-18% thay vì 14%-15% như ngân hàng công bố. Thêm vào đó, USD khan hiếm nên không ít công ty thép phải mua đôla chợ đen khiến giá liên tục bị đẩy lên", ông Nghi nói.
(Theo vnexpress)