Khảo sát một số khu vực trên địa bàn Hà Nội, hầu hết tất cả các nhà trọ cho sinh viên và người lao động thuê đều tăng giá lên 10-20% so với giá trước Tết Nguyên đán.
Khảo sát một số khu vực trên địa bàn Hà Nội, hầu hết tất cả các nhà trọ cho sinh viên và người lao động thuê đều tăng giá lên 10-20% so với giá trước Tết Nguyên đán.
Nếu như cách đây 2 năm, những phòng trọ 9-10 m2 không khép kín giá chỉ 200.000 đến 300.000 đồng/tháng, thì đến thời điểm năm ngoái, giá đã tăng lên 300.000-400.000 đồng. Sau Tết Nguyên đán, giá lại nhích lên thêm từ 50.000 đến 100.000 đồng. Đối với những căn phòng khép kín, có diện tích rộng hơn một chút, số tiền thuê ngót nghét từ 600.000 đến 1 triệu đồng/tháng.
Tiền điện, nước cũng “biến thiên” theo tiền nhà. Giá điện tăng từ 1.200 - 1.500 đồng/Kwh lên 2.000 - 2.500 đồng/Kwh. Tiền nước hằng tháng cũng tăng vèo vèo từ 20.000 đồng lên 30.000 - 50.000 đồng/người.
So với các khu vực khác, quận Cầu Giấy và Thanh Xuân có giá thuê nhà đắt nhất do tập trung nhiều trường đại học nên lượng sinh viên có nhu cầu thuê nhà rất đông, cầu lớn nhưng cung lại hạn chế. Chính vì thế, dù rất nhiều phòng trọ giá “giật mình”, các vị thượng đế cũng buộc phải chấp nhận.
Nguyễn Thu Huyền (quê ở Thái Bình), sinh viên trường ĐH Sư phạm nhăn nhó: “Mình với cô bạn mất mấy ngày trời đi tìm nhà thuê, nhà nào cũng đắt. Cuối cùng, “trú ngụ” tại một cái phòng bé xíu chỉ tầm 10 m2 thế mà cũng 450.000 đồng/tháng, tiền nước đến tận 50.000 đồng/người cho mỗi tháng. Đã thế, bà chủ nhà còn dọa đến hè sẽ tăng giá tiếp".
Ở các khu vực ngoài trung tâm như Diễn - Nhổn, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Lĩnh Nam... giá thuê nhà “dễ chịu” hơn hẳn. Tuy giá cả có thấp hơn nhưng giống như những khu vực trung tâm, giá thuê nhà ở đây cũng tăng lên so với trước Tết từ 50.000 đến 100.000 đồng/nhà.
Ông Nguyễn Văn Hòa (nhà ở ngõ Quỳnh, Thanh Nhàn) chuyên làm dịch vụ thuê nhà nhận định: “Sở dĩ giá nhà tăng lên bởi lượng cầu lớn, cung không đủ. Hơn nữa, giá cả mọi loại hàng hóa đều tăng chóng mặt nên tức khắc các chủ nhà bảo nhau và nhìn nhau tăng giá thuê nhà lên thôi”.
Chất lượng vẫn “giậm chân tại chỗ”
Giá cả thì luôn một điệp khúc tăng nhưng chất lượng nhà cho thuê bình dân vẫn nằm yên bất động. Trừ số ít những căn phòng trọ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ, “chân dung” của đa số nhà trọ bình dân có cùng chung đặc điểm; bẩn, xập xệ, chật chội và tạm bợ. Có không ít người thuê đã hóm hỉnh gọi căn phòng trọ của mình là “chuồng lợn, chuồng gà” cũng không phải không có nguyên nhân.
Những bể nước bám rêu xanh, nước giếng khoan vàng ngầu, nhà vệ sinh cần thiết nhưng xây dựng kiểu “cho có”, khoảng sân bé xíu và phải để xe máy ngoài phòng vì phòng quá nhỏ. Đó là hiện trạng phổ biến ở nhiều khu xóm trọ. Bất kể đến sự tiện nghi và thoải mái của người trọ, các chủ nhà tận dụng triệt để diện tích để ngăn phòng kiếm lời.
“Chinh chiến” trên đất Hà Nội đã 8 năm, anh Trần Tiến Đức (quê ở Nam Định) tâm sự: “Suốt từ hồi lên đây, trải qua gần chục cái nhà trọ mà vẫn thấy sao khó tìm một nhà trọ tử tế để ở lâu dài”.
(Theo VTC)