Theo các chuyên gia, trong mùa thấp điểm du lịch 2014, công suất và giá thuê phòng khách sạn tại Tp.HCM đều đi xuống. Đặc biệt, tình trạng này đã kéo dài 2 năm liền, chủ yếu rơi vào các hạng 3 và 5 sao.
"Giá thuê phòng khách sạn đã giảm trung bình 15-20% so với năm 2012. Các chi phí khác đều đội lên và tỷ lệ phòng trống tăng mạnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn", Tổng giám đốc điều hành một tập đoàn khách sạn lớn tại Tp.HCM tiết lộ.
Theo ông, các áp lực đè lên mỗi phân khúc nhìn chung đều giống nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thừa nguồn cung và vắng khách. Cụ thể, khách sạn 5 sao bị ảnh hưởng bởi lượng du khách đến Tp.HCM sụt giảm, còn phân khúc 3 sao đang đứng trước cuộc khủng hoảng thừa.
Vị này phân tích, ngoài việc giảm giá phòng, các chủ khách sạn còn phải tăng dịch vụ, tiện ích và áp dụng cả chiến lược khuyến mãi, song vẫn chưa thể cải thiện được tình hình. Ông cho hay, riêng ở hạng 3 sao cách đây khoảng 3-4 năm, Tp.HCM chỉ có vài trăm khách sạn, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên gấp nhiều lần. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ phòng trống tăng mạnh và mức độ cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt.
Báo cáo mới nhất CBRE Việt Nam công bố ngày 27/8 đã chỉ ra, thị trường khách sạn tại Tp.HCM đang chìm trong giai đoạn ảm đạm. Lượt khách quốc tế đến Tp.HCM trong quý II/2014 chỉ đạt 830.000 người, giảm 33,4% so với quý trước và giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mùa thấp điểm quý II, giá và công suất thuê phòng của phân khúc
khách sạn 3 và 5 sao đều sụt giảm
Theo CBRE, quý thứ hai của năm là thời điểm bắt đầu của mùa du lịch thấp điểm. Thêm vào đó ảnh hưởng từ căng thẳng với Trung Quốc cũng khiến thị trường này gặp khó khăn, hầu hết các khách sạn đều ghi nhận công suất phòng sụt giảm.
Phân khúc khách sạn 5 sao chứng kiến sự sụt giảm công suất phòng lớn nhất trong quý. Hơn 50% các khách sạn 5 sao có công suất phòng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Khách sạn 3 sao có mức giảm giá phòng bình quân mạnh nhất do các khách sạn này thường thuộc sở hữu và quản lý của các công ty tư nhân hoặc cá nhân.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Quản lý Bộ phận nghiên cứu tư vấn của Savills tại Tp.HCM cho biết, trong quý II, giá phòng khách sạn tại Tp.HCM trung bình chỉ đạt 1,7 triệu đồng một phòng mỗi đêm, giảm 9% so với quý trước, sa sút 2 năm liền.
Không chỉ có giá thuê giảm, thị trường khách sạn Tp.HCM còn ghi nhận công suất thuê trung bình rớt 13% so với quý I/2014. Chỉ số RevPAR - công suất sử dụng phòng và doanh số của nhóm khách sạn thuộc khu trung tâm TpHCM cũng bị trừ 6% theo năm. Hiện Tp.HCM có đến 75% khách sạn 3-5 sao tập trung tại quận 1, ông Toàn cho hay.
Nguyên Giám đốc Đào tạo GlobalHM, Thạc sỹ Trang Minh Hà phân tích, câu chuyện giá phòng khách sạn giảm chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố: kinh tế, mùa vụ, nguồn cung và cầu.
Theo ông Hà, bài toán kinh doanh khách sạn mùa thấp điểm (cộng thêm tác động suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài) khiến cho các doanh nghiệp ngành này đứng trước khó khăn là buộc phải chọn lựa giảm giá hoặc là chết.
Giảm giá có nhiều cách: giảm trực tiếp vào tiền thuê phòng, giảm gián tiếp bằng khuyến mãi và dịch vụ cộng thêm... Tùy đối tượng khách hàng có thể giảm nhiều hay ít với mục tiêu cắt giảm các chi phí khổng lồ. Tiền điện, nước, nhân công, các dịch vụ đi kèm để vận hành bộ máy vẫn phải chi trả dù có khách hay không. Do đó, giảm giá gần như là lựa chọn hợp lý nhất của các doanh nghiệp ngành này.
"Lượng khách quốc tế sụt giảm kèm theo ảnh hưởng tình hình biển Đông thời gian qua chỉ là một trong những nguyên nhân khiến giá phòng khách sạn sụt giảm. Đằng sau câu chuyện này còn phải kể đến lượng khách sạn không ngừng tăng lên, độ phủ lại quá dày", ông Hà nhấn mạnh thêm.
Chuyên gia này cho hay, lượng khách sạn tại TP HCM, đặc biệt là 3 sao đã tăng với tốc độ chóng mặt nhưng mật độ chỉ tập trung nhiều ở khu vực quận 1. Điều này khiến cho nguồn cung bị dồn ứ cục bộ, buộc tất cả các chủ khách sạn phải chạy đua giảm giá.
Theo kinhdoanh.vnexpress.net