Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản (TTBĐS) của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết lượng giao dịch BĐS trong các tháng đầu năm giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng vốn FDI đổ vào BĐS trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2017 tăng gấp 12 lần cùng kì năm ngoái.
Lượng giao dịch sụt giảm
Theo VnREA, trong 2 tháng đầu năm các chủ đầu tư liên tục tung hàng với nhiều khuyến mãi hấp dẫn. Nhiều dự án có vị trí đẹp cũng được khởi công rầm rộ. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công giảm hẳn so với thời điểm cuối năm 2016. Nguyên nhân là do tháng 1 và tháng 2 rơi vào thời điểm tết Nguyên đán với nhiều ngày nghỉ kéo dào ảnh hưởng đến tâm lý mua - bán của khách hàng.
Tại Hà Nội, trong tháng 1/2017, có khoảng 1.300 giao dịch thành công, giảm 7,1% so với tháng 12/2016. Các giao dịch thành công chủ yếu tập trung tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp. Số lượng dự án nhà ở liền kề, biệt thự được phát triển mới không nhiều, lượng giao dịch ít.
Tại TPHCM, số lượng giao dịch thành công trong tháng 1/2017 đạt khoảng 1.400 giao dịch, giảm 3,4% so với tháng 12/ 2016. Giao dịch tại các phân khúc trung cấp và cao cấp có vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư uy tín vẫn chiếm số lượng lớn, còn lại là giao dịch tại một số dự án căn hộ thương mại diện tích trung bình, giá bán trên 1 tỷ nằm ở khu vực các quận Gò Vấp, quận Bình Tân và nhà ở liền kề, biệt thự khu vực Quận 2, Quận 9.
Giao dịch BĐS trong 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh.
Sang tháng 2, số lượng giao dịch tiếp tục giảm so với tháng 1. Tại Hà Nội, trong tháng 2 có khoảng 850 giao dịch thành công, giảm 34,6% so với tháng 1. Các giao dịch thành công chủ yếu tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp do nguồn cung chính trên thị trường vẫn tập trung tại phân khúc này.
Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng giao dịch thành công trong tháng 2 cũng chỉ đạt khoảng 900 giao dịch, giảm 35% so với tháng 1. Cũng như thị trường Hà Nội, lượng giao dịch thành công vẫn tập trung tại các dự án căn hộ trung và cao cấp.
Theo VnREA, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm cũng đã chậm lại. Lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.
Tính đến cuối tháng 2, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 1.450 tỷ đồng so với tháng 12 2016 - tương đương mức giảm 4,67%; còn so với tháng 1 thì giảm 575 tỷ đồng.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm cũng đã chậm lại.
Giá trị tồn kho bất động sản tại hai thành phố lớn gần tương đương nhau, Tại Hà Nội, tính đến gần cuối tháng 2/2017, tổng số tồn kho trên địa bàn còn khoảng 5.538 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 1.208 tỷ đồng (-17,91%); so với tháng 12/2016 giảm 52 tỷ đồng (-0,93%). Còn tại Tp.HCM, tổng giá trị tồn kho khoảng 5.518 tỷ đồng, so với tháng 12/2016 giảm 283 tỷ đồng (-4,88%); so với 20/1/2017 giảm 105 tỷ đồng.
Giá cả bất động sản trong 2 tháng đầu năm không có nhiều biến động. Theo yếu tố mùa vụ, những tháng này người dân ít mua bán nhà và các chủ đầu tư cũng sẽ ém hàng để đưa ra sau Tết Nguyên đán.
Vốn FDI vào BĐS tăng vọt
Báo cáo của VnREA cho biết, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 345,5 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư FDI và tăng gần 12 lần so với mức 29,07 triệu USD so với cùng kì 2016.
Trong đó, dự án được cấp mới là 11 dự án với số vốn đăng ký tương ứng là 308,95 triệu USD. Có 2 dự án tăng vốn và có 14 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị gần 59 triệu USD. Tính lũy kế tới tháng 2, lĩnh vực kinh doanh BĐS đã thu hút 52,4 tỷ USD (chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam).