Hoạt động mua bán đất nền tại Hà Nội đang trầm lắng, có nơi lượng giao dịch giảm tới 60%, tuy nhiên giá cả tiếp tục leo thang.
Hoạt động mua bán đất nền tại Hà Nội đang trầm lắng, có nơi lượng giao dịch giảm tới 60%, tuy nhiên giá cả tiếp tục leo thang.
Theo sàn Sacomreal, lượng giao dịch trong 2 tuần cuối tháng 6 giảm rõ rệt. Đầu tháng, mỗi ngày có đến 10-15 khách hỏi mua đất nền thì đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 3-5 người.
Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Tập đoàn bất động sản Phú Thái cũng cho biết, hiện lượng giao dịch đã giảm khoảng 60% so với đầu tháng 6. "Đa phần khách hàng là người có nhu cầu thực. Giới đầu cơ chỉ đến nghe ngóng tình hình", ông Bình nhận định.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đột nhiên "đổi chiều" trong những ngày cuối tháng 6 một phần vì dòng tiền từ các kênh khác như chứng khoán, ngân hàng đang chững lại. Sau cơn sốt, chứng khoán đã trở về trạng thái "lình xình", song nhà đầu tư vẫn găm tiền trong tài khoản chờ cơ hội mới, chứ không chuyển sang bất động sản nhiều như kỳ vọng.
Giao dịch đang chậm lại song giá vẫn leo thang. Dự án Cenco 5 đường Hoàng Quốc Việt kéo dài có giá đất nền liền kề ở mức 17,5-19 triệu mỗi m2. Các lô liền kề mặt đường 13 m của dự án Kim Chung - Di Trạch giá gốc vẫn giữ ở mức cao 18 triệu mỗi m2. Đất nền khu liền kề, biệt thự ở Quốc Lộ 32, có giá khoảng 18- 19 triệu tùy vị trí.
Giới đầu cơ chuyên nghiệp cũng đang tạm dừng giao dịch, nghe ngóng và chờ đợi nguồn cung sắp tung ra thị trường để ép giá. Chỉ tính riêng trong tháng 8, dự án Eco Park (chủ đầu tư Vihajico) sẽ cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng nghìn căn hộ chung cư và biệt thự. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DIA Hà Tây cũng sắp tung ra thị trường hàng loạt căn biệt thự có diện tích lớn 400-800 m2... Ngoài ra, các công trình trước đây phải dừng lại do rà soát quy hoạch cũng sắp được công bố hoạt động trở lại, các dự án đủ điều kiện sẽ nhanh chóng triển khai để bổ sung nguồn cung.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Sacomreal chi nhánh Hà Nội cũng đồng ý với nhận định khách hàng đang chờ nguồn cung mới tung ra thị trường. "Nguồn cung dồi dào, các chủ đầu tư sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh hạ giá xả hàng. Lúc đó giới đầu cơ mới vào cuộc", ông Thanh nói thêm.
Còn ông Nguyễn Văn Trọng, chuyên viên kinh doanh sàn giao dịch bất động sản Detech Land cho biết một số nhà đầu cơ đang có xu hướng "đón đầu" dự án Geleximco khu D (đường Lê Trọng Tấn kéo dài) và Vân Canh (Hoài Đức- Hà Nội). Các suất mua vẫn "đang nằm vùng bí mật" bởi thực tế chủ đầu tư vẫn chưa hé lộ thông tin về dự án. Giá gốc chỉ 7 triệu, nay người ta truyền tai nhau giá có thể lên đến 17-22 triệu đồng mỗi m2 tùy mặt đường.
Riêng dự án Vân Canh, khách hàng xôn xao rỉ tai nhau, đặt giá chênh lệch tới 100 triệu đồng để đón trước "hàng" thông qua nhiều nguồn kênh. "Đây vẫn là mục tiêu chính của nhiều người. Khi các dự án này được công bố, thị trường mới thực sự sôi động", ông Trọng nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường bất động sản vẫn nóng lạnh bất thường, từ trạng thái này sang trạng thái khác rất nhanh. Tuy nhiên, theo ông đây vẫn là kênh đầu tư hút khách, nhu cầu về chung cư, nhà ở đất nền của người dân vẫn rất lớn.
Thứ trưởng Nam cho rằng biến động trên thị trường bất động sản chủ yếu do cung cầu chênh lệch. Hiện đã có một số dự án thương mại và xã hội sắp tới sẽ khởi công nhưng vẫn chưa thể thỏa mãn cầu. "Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có chính sách về quy hoạch đất đai, về dự án, vốn. Phải đến cuối năm 2010, một dòng chảy về nguồn cung nhà ở xã hội sẽ góp phần bình ổn thị trường bất động sản", Thứ trưởng Nam nhận định.
(Theo vnexpress)