Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh phát triển mảng xanh tại các đô thị, việc đầu tư hạ tầng đầy đủ tại các dự án bất động sản (BĐS) đã và đang là vấn đề được các chủ đầu tư quan tâm hàng đầu, bởi đây là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh của các dự án khi hạ tầng tốt thì giao dịch tăng và ngược lại.
Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam đánh giá, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chỉ tương đương với các thành phố đang phát triển và thấp hơn nhiều các đô thị hiện đại trong khu vực, trong khi số dân nhập cư vào các thành phố này hàng năm cũng tăng đáng kể, lượng phương tiện giao thông vì thế cũng tăng theo, chưa kể, ngày càng nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sở hữu ô tô cá nhân, tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông.
Nguy cơ tắc nghẽn giao thông chắc chắn sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông và khả năng hạn chế mở rộng đường sá tại khu trung tâm. Đây là yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu của người mua nhà, đặc biệt với tâm lý an cư và đi lại của người dân hiện nay.
Môi trường sống lý tưởng, một căn hộ hài hòa với thiên nhiên trong một quần thể khu đô thị hiện đại, hạ tầng đầy đủ, gần khu trung tâm đang là lựa chọn của nhiều người dân Hà Nội. Đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng mà hầu như tất cả các dự án BĐS gần đây đều hướng tới. Vì không ai khác ngoài khách hàng quyết định cho sự thành công của dự án, nếu họ thực sự được hưởng lợi từ những công trình với nhiều tiện ích đích thực.
Theo các chuyên gia quy hoạch, hạ tầng và BĐS là hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau. Giá BĐS có thể tăng nhờ hạ tầng, ngược lại, cũng có thể đóng băng vì hạ tầng. Thời gian qua, những dự án “hót” nhất, tăng giá tốt nhất thuộc về các khu vực có hạ tầng đồng bộ, đường sá thuận tiện, gần trường học, siêu thị… hoặc nằm trong những khu vực đang được nâng cấp đồng bộ về hạ tầng.
Những dự án có hạ tầng tốt sẽ có lượng giao dịch tăng. (Ảnh minh họa)
Đó là điều dễ hiểu lý giải vì sao những khu đô thị sinh thái có không gian xanh như Ecopark, khu vực hồ Linh Đàm, KĐT Việt Hưng (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)... được khách hàng ưa thích. Dự án có không gian xanh, hạ tầng đảm bảo, hiện đại đang trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống, văn minh đô thị và là nơi ước đến - chốn mong về.
Thế nhưng, từng tạo ra những cơn sốt cách đây vài năm, khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội) giờ đã không còn thu hút nhiều người mua nhà. Hay như khu vực phía Tây Thủ đô, dọc đường Tố Hữu và Đại lộ Thăng Long đứng đầu với 30 - 40% tổng lượng cung BĐS trên thị trường, và những cung đường này chắc chắn phải oằn mình “cõng” hàng loạt dự án cao tầng ở khu vực này.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chung cư cao tầng như New Horizon, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Đồng Phát Park View Tower… đã và đang xuất hiện dọc đường Lĩnh Nam có giá tăng mạnh khi vừa mở bán nhờ những quảng cáo về hạ tầng giao thông thuận tiện, gần trường đại học, bệnh viện lớn. Nhưng sau một thời gian, khi hạ tầng không như quảng cáo của chủ đầu tư, giá đã sụt giảm trở lại.
Đánh giá về vấn đề trên, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, với tốc độ xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô như cách làm hiện nay thì dù Hà Nội có đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tới đâu cũng không theo kịp quy mô phát triển dân số cơ học của Hà Nội.
Năm 2017, phân khúc nhà ở giá bình dân tiếp tục là mục tiêu săn đón của nhiều người mua nhà, nhất là những người có nhu cầu thực về nhà, nên việc họ quan tâm đến những dự án có đầy đủ hạ tầng, trường học, sân chơi, gần chợ, bệnh viện… sẽ làm tăng tính thanh khoản của dự án đó. Tuy nhiên, xây dựng chung cư ở đâu, quy mô xây dựng thế nào, tiện ích ra sao, có phù hợp với hạ tầng đô thị hay không thì phải hỏi các nhà quản lý.