Các khách sạn cao cấp, nơi chủ yếu phục vụ lượng khách quốc tế, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng tỷ lệ thuê phòng.
Các khách sạn cao cấp, nơi chủ yếu phục vụ lượng khách quốc tế, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng tỷ lệ thuê phòng.
Cao nhất là 50%
Theo báo cáo hàng tháng của Tổng cục Du Lịch Việt Nam, trong chín tháng đầu năm 2009, ngoại trừ tháng 4 và tháng 8 có mức tăng nhẹ, các tháng còn lại lượng khách du lịch đến Việt Nam đều giảm so với tháng trước đó. Tính chung chín tháng đầu năm, lượng khách đến Việt Nam (kể cả khách du lịch kết hợp nghỉ ngơi và công việc) là hơn 2,7 triệu khách, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2008.
Nếu suy đoán một cách đơn giản thì lượng khách lưu trú tại các khách sạn cao cấp cũng sẽ giảm trong bối cảnh chung như thế. Theo tìm hiểu từ những nguồn tin riêng của TBKTSG, có những ngày công suất phòng ở các khách sạn này giảm còn 20%. Và theo lời tổng giám đốc của một khách sạn 5 sao, nếu công suất phòng bình quân hàng tháng đạt khoảng trên dưới 50% là mừng lắm rồi.
Nếu đem tỷ lệ này so với năm 2007 mới thấy hết khó khăn mà các khách sạn đang đối đầu, ở thời điểm đó có những tuần họ không còn phòng để cho thuê. Còn bình quân năm 2008, tỷ lệ này dao động từ 70-80%.
Vị tổng giám đốc trên cho biết thêm: tại khách sạn của ông, từ đầu năm đến khoảng tháng 6, tháng 7, công suất phòng đạt rất thấp và từ tháng 8 đến nay mới tăng lên một chút và hiện đạt khoảng 50%.
Còn theo thông tin từ khách sạn Rex, công suất phòng trong chín tháng qua bình quân chỉ là 46%, trong đó có những tháng chỉ đạt 33%.
Đại diện các khách sạn 5 sao khác ở TPHCM, nơi có số phòng thuộc loại lớn so với mặt bằng chung, có lượng khách Mỹ, châu Âu và Nhật chiếm tỷ lệ cao, thừa nhận có hiện tượng suy giảm từ những thị trường này. Và điều đó đã làm ảnh hưởng đáng kể đến lượng khách tại khách sạn.
Ông Nelson Balilo, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn New World, cho biết trong chín tháng đầu năm, vì khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1 mà cả dịch vụ kinh doanh phòng và dịch vụ ăn uống đều giảm. Lượng khách của khách sạn chủ yếu đến từ ba thị trường chính là Mỹ, châu Âu và Nhật đều giảm nhiều.
Ông Dietmar Kielnhofer, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon, thừa nhận những con số thống kê khách lưu trú không thể bằng năm 2007 và 2008. Một trong những nguyên nhân là lượng khách từ các thị trường quốc tế giảm do khủng hoảng kinh tế.
Tìm cách xoay xở và mong khủng hoảng qua mau
Trước khó khăn trong kinh doanh, các khách sạn trên đang tìm mọi cách xoay xở và mong chờ ngày thị trường hồi phục tới mau. Một trong những cách được các khách sạn áp dụng là tập trung hơn vào thị trường châu Á và thị trường trong nước, những nơi được đánh giá là ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng và còn có khả năng tăng trưởng, tập trung phát triển loại hình khách MICE (du lịch kết hợp dự hội nghị, hội thảo) và dịch vụ ẩm thực.
Ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc khách sạn Majestic, cho biết đối với những đoàn khách MICE, khách sạn sẽ miễn tiền thuê phòng họp mà chỉ tính tiền tiệc hoặc ngược lại. “Trong thời buổi hiện nay, chúng ta cần thực hiện những chính sách linh hoạt thì mới sống được”, ông nói.
Đại diện của khách sạn Rex cho biết khách sạn cũng đang tìm cách mở rộng thị trường nội địa và tập trung vào các đoàn khách MICE. Ông Balilo cũng cho biết khách sạn New World đang có những mức giá ưu đãi cho các đoàn khách MICE và khách du lịch là doanh nhân.
Còn đối với khách sạn Sheraton, theo ông Kielnhofer, trong vòng hai năm tới, thị trường châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ được khách sạn chú ý phát triển hơn nữa.
Theo các khách sạn cao cấp này, cho dù khủng hoảng, nhưng họ vẫn nhận thấy nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng sang trọng của người Việt vẫn có và xu hướng này đang tăng. Vì vậy, họ cố gắng phát triển mảng dịch vụ này để đem lại doanh thu cho khách sạn. “Hiện khách dùng bữa tại nhà hàng của chúng tôi là người Việt chiếm khá đông, nhiều khi lên đến 60%, bao gồm khách lẻ và khách dự hội nghị”, nhân viên tại một khách sạn cao cấp cho biết.
Bên cạnh đó, việc ra đời của các thương hiệu khách sạn quốc tế lớn như InterContentinental mới vừa khai trương, một mặt sẽ kích thích thị trường phát triển, mặt khác có thể sẽ làm miếng bánh thị trường mà các khách sạn đang chia phần sẽ nhỏ hơn một chút.
Cuối cùng, nói gì thì nói, đại diện của những khách sạn trên đều cho biết so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia, lượng khách sạn cao cấp ở Việt Nam và TPHCM nói riêng chưa thấm vào đâu. Vì vậy họ tin tưởng sẽ có sự phát triển hơn nữa của thị trường trong vài năm tới, nhất là khi “cơn bão” khủng hoảng đi qua.
(Theo TBKTSG)