Từ đầu năm đến nay các khách sạn ở Hà Nội và TP HCM đã tăng giá phòng 35-50% mà vẫn không còn để thuê. Các công ty lữ hành đấu tranh nhưng rồi chịu thua vì hầu hết khách sạn đều nâng giá như nhau.
Từ đầu năm đến nay các khách sạn ở Hà Nội và TP HCM đã tăng giá phòng 35-50% mà vẫn không còn để thuê. Các công ty lữ hành đấu tranh nhưng rồi chịu thua vì hầu hết khách sạn đều nâng giá như nhau.
Bà Lê Hoàng Yến - giám đốc trung tâm chuyên tổ chức sự kiện, hội thảo kết hợp du lịch của Bến Thành Tourist (CITE) - cho biết vừa mất một đoàn gần 300 khách quốc tế dự kiến đến TP HCM trong ba ngày tuần cuối cùng của tháng 7/2007 do giá phòng khách sạn quá cao.
Bà Bùi Việt Thủy Tiên, giám đốc công ty, cho biết mặc dù hai bên đã ký kết xác định giá phòng trong suốt năm 2007 nhưng khách sạn này lại có hai đợt tăng giá: đợt đầu tháng 3/2007 với mức tăng 20% và đến tháng tư họ lại thông báo bắt đầu từ 1-5 giá phòng sẽ tăng thêm 66,6% so với hợp đồng ký kết ban đầu.
“Hợp đồng đã ký thống nhất giá phòng cho cả năm, chúng tôi cũng đã thông báo cho đối tác, nay giá thay đổi biết ăn nói sao với các đối tác”, bà Tiên than phiền. Các công ty cho biết tuy chưa có đoàn khách nào bỏ tour, do các công ty du lịch linh động tìm khách sạn thay thế, nhưng số khách lẻ bỏ tour vì giá thay đổi thì đã có khá nhiều.
Cung hụt cầu
Mặc dù các công ty lữ hành cũng đã "đấu tranh" với các khách sạn nhưng cuối cùng đành “bó tay” vì hầu hết khách sạn đều đông khách và giá tăng như nhau.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ cho biết, Việt Nam đang thu hút khách du lịch nước ngoài. Ba tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng phòng khách sạn không thể nào theo kịp. Nếu các thành phố, tỉnh có cấp tập kêu gọi đầu tư cũng không thể giải quyết được nhu cầu cần phòng ngay trong năm nay. Ông Từ cũng thừa nhận việc tăng giá phòng này là hệ quả tất yếu của quy luật cung cầu của thị trường nên “không thể nào áp đặt mệnh lệnh hành chính yêu cầu không tăng giá”.
Ông Từ đề xuất các công ty lữ hành bẻ “ghi”, hướng các đoàn khách đến các vùng lân cận, không nhất thiết phải ở lại Hà Nội và TP HCM. Chẳng hạn từ Hà Nội có thể đi thẳng đến Hải Dương, Quảng Ninh, có thể đi thẳng vào Vĩnh Phúc để chơi golf.
Các khách sạn cho rằng việc tăng giá là do cung cầu. Cũng có nơi cho rằng họ không thể không tăng giá khi một số khách sạn khác đã tăng. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng các khách sạn tranh thủ tình trạng Việt Nam còn thiếu nơi lưu trú hạng sang để “làm giá”, tình trạng thiếu phòng sẽ giảm đi khi tới đây có một số khách sạn đi vào hoạt động.
Ông Patrick Gaveau (giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty Focus Asia): Việt Nam được lựa chọn là nơi đến mới của du khách nước ngoài có một phần do giá phòng của khách sạn thấp. Giá phòng khách sạn bốn sao ở Việt Nam cách đây hai năm chỉ khoảng 45-100 USD thì nay đã lên mức 65-100 USD/phòng, trong khi giá phòng tương tự ở Thái Lan, Ấn Độ chỉ nằm trong khoảng 70-100 USD. Nếu giá cứ tăng thế này, khả năng khách không chọn Việt Nam để đi du lịch hoàn toàn có thể xảy ra. |
(Theo Tuổi Trẻ)