Dời trường ĐH ra ngoại thành là một chủ trương tốt nhưng không thể cứ hô hào chuyển là chuyển. Điều đang thiếu hiện nay là một quy hoạch tổng thể và một kế hoạch tổ chức thực hiện cẩn trọng - Ts Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhìn nhận.
Dời trường ĐH ra ngoại thành là một chủ trương tốt nhưng không thể cứ hô hào chuyển là chuyển. Điều đang thiếu hiện nay là một quy hoạch tổng thể và một kế hoạch tổ chức thực hiện cẩn trọng - Ts Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhìn nhận.
Không thể hô hào chuyển là chuyển
Thời gian gần đây dư luận đang xôn xao về danh sách 12 trường Đại học tại Hà Nội phải đăng ký di dời trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2011 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT. Là chuyên gia quy hoạch đô thị, ông có nhìn nhận gì về chủ trương này?
Theo tôi, việc di chuyển trường Đại học ra ngoại thành là tốt cho cả đô thị lẫn các trường Đại học. Với đô thị, sẽ giảm tải được tình trạng tắc nghẽn giao thông, môi trường bớt ô nhiễm. Với các trường đại học, ra ngoại thành có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, sinh viên sẽ được cải thiện điều kiện ăn ở, mà nhà trường cũng có quỹ đất rộng rãi, mở mang thêm nhiều điểm phục vụ cho việc học hành, tạo ra môi trường sư phạm tốt. Nói chung cả hai bên đều có lợi.
Thế nhưng, chủ trương đó phải tính toán cẩn thận. Ai trước, ai sau phải có thứ tự, không thể một lúc hô hào chuyển là chuyển. Cần một kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể bởi trong một thời gian ngắn ta không đủ nguồn lực để làm việc này, gây ra rối loạn.
Không thể bứng trường đại học để thay thế bằng khách sạn, cao ốc!
Khoảng đất các trường Đại học sau khi di dời để lại được đánh giá là "mỏ đất vàng". Dư luận có thông tin rằng hiện nay một số doanh nghiệp đã "nhòm ngó" những vị trí đắc địa của một số trường Đại học sau khi di dời. Lo ngại này, theo ông, có cơ sở hay không?
Việc các nhà kinh doanh bất động sản lăm le các miếng đất tạo ra nhiều lợi nhuận là chuyện bình thường. Họ không lăm le mới là chuyện lạ, có điều là chính quyền của mình có thái độ xử sự thế nào thôi.
Đầu tiên, phải công khai quy hoạch khu đất đó khi các trường đại học di dời? Cần cho toàn dân biết và tham gia ý kiến.
Việc quy hoạch đó không có nghĩa là bứng đi một trường thay bằng một khách sạn. Bởi vì khi thay bằng khách sạn hay một cao ốc nào đó, người ta sẽ đặt ngay câu hỏi tại sao không thay một công viên, một trường học hay một khu vui chơi giải trí của trẻ em - những thứ đang rất thiếu hiện nay.
Chẳng hạn, như trước kia trường nằm ở đó khiến giao thông cản trở, hiện trạng như vậy đành chịu. Nhưng bây giờ nhân lúc trường đi thì mở luôn một con đường để giao thông thông thoáng có phải tốt hơn không?! Hiện nay đã từng phải mở một đường đi qua khu vực Bách Khoa, Đại học Kinh tế quốc dân rồi, các trường khác thì sao?
Còn nếu sau khi quy hoạch, đất ấy tiện cho việc kinh doanh thì có thể đấu giá đất. Ai trả giá cao nhất thì vào và phải thực hiện đúng quy hoạch.
Chính quyền có thể ứng tiền trước, thu hồi sau
Trở lại chuyện di dời, ngay điểm đến tới đây của các trường đại học cho đến giờ này vẫn còn là câu hỏi?
Tôi nghe nói là có quy hoạch một khu đại học nào ở bên ngoài nhưng không biết bây giờ đã quy hoạch chưa. Nếu chưa quy hoạch mà hô hào chuyển các trường đi ngay lập tức thì thành quy trình đảo ngược.
Như vậy, chủ trương của Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra phải bàn luận với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã. Hai bộ phận bàn bạc với nhau rất kĩ lưỡng. Ví dụ, bây giờ các trường ở trong Hà Nội chuẩn bị ra đấy thì ai chuẩn bị đất cho. Và việc quy hoạch ở ngoại thành cho các trường, tôi nghĩ UBND thành phố Hà Nội nên thu hồi đất cả một vùng rộng lớn, toàn bộ khu chứ không phải trong một trường nào cả. Sau đó chia ô và giải phóng ô đầu tiên để chuyển trường đầu tiên ra, rồi dần dần làm đến các ô khác theo quy hoạch thứ tự nhất định.
Không phải cứ trường nào bán được đất nhanh thì ra trước, mà trường nào cần ra trước để tạo môi trường tốt hơn cho Hà Nội thì nên ra trước. Do đó, cần phải thảo luận với nhau trước sau. Chẳng hạn 5 năm này là mấy trường, 5 năm sau là mấy trường. Chứ không phải trong 5 năm là 12 trường cùng đi hết.
Kỳ lạ là nhiều chủ trương của ta hay đi theo một quy trình ngược như thế, chứ không riêng chủ trương này.
Hiện nay, các trường phân vân ở chỗ muốn ra chỗ mới thì phải mua đất hay đền bù đất, mà đền bù đất thì không có tiền nên phải bán đất ở khu cũ đã mà đất khu cũ chưa đi thì bán cho ai, cho nên đặt người ta vào thế bí không có phương cách giải quyết. Nhà trường đứng ra vay tiền mà nhà trường có phải là doanh nghiệp đâu mà người ta dễ dàng sẵn sàng cho anh vay như thế.
Theo tôi, chính quyền Hà Nội có thể đi vay tiền ngân hàng để chuẩn bị quỹ đất ấy cho trường chuyển ra trước. Sau đó, anh thu hồi từ đất cũ để trả vào khoản đã vay. Chuyện vay trả như thế sẽ làm cho người ta rất thận trọng về mặt thời gian cũng như tiến độ để làm việc chứ không phải buông trôi.
Có trách nhiệm mới được hưởng lợi ích
Vừa rồi, Hiệu trưởng một trường Đại học đã đề xuất giải pháp cho dự án này giống với dự án di dời trường THPT Hà Nội-Amsterdam theo kiểu: UBND thành phố xây trường, chìa khóa trao tay cho nhà trường và thu hồi lại đất cũ. Cá nhân ông nhìn nhận đề xuất này thế nào?
Xem lợi ích thuộc về ai? Có phải là lợi ích của Hà Nội hay không? Tất nhiên các trường Đại học ở Hà Nội mở ra để Hà Nội thành một trung tâm giáo dục văn hóa nhưng Hà Nội phải lo trăm thứ chứ đâu chỉ mỗi việc lo trường này.
Ví dụ như trường Đại học Y, đâu chỉ cần trường Y mà cần bệnh viện, cần trung tâm nghiên cứu Y học ở bên cạnh...Nên tất cả cái đó đâu chỉ riêng là việc của UBND thành phố Hà Nội chăm lo mà là Đại học phải chăm lo việc đó.
Theo tôi, UBND thành phố Hà Nội chỉ giúp các trường thực hiện việc di dời. Trường cần bao nhiêu đất thì đề đạt ra và UBND sẽ chuẩn bị cho đất như thế. Khu đất đó phải được Bộ GIáo dục, Chính phủ, Bộ Xây dựng...thẩm định.
Về kinh phí xây dựng, trường nên đề xuất lên Chính phủ. Vì là trường của Chính phủ nên Chính phủ phải cấp kinh phí. Mà khi cấp kinh phí rồi thì phải xây trường hiện đại chứ không phải xây lại giống cái trường đã thành lập từ đầu thế kỉ trước được. Nên làm một trường hiện đại, hạ tầng đường phố, kí túc xá...tất cả đồng bộ vận hành chứ không chỉ riêng xây trường.
Do vậy, phải phân định rõ lợi ích cho những ai, lợi ích đó là gì và những ai có lợi ích đó phải có trách nhiệm mới được hưởng lợi ích. Người được hưởng nhiều lợi ích mà lại đổ trách nhiệm lên một người khác thì không được. Đó là nguyên lí xây dựng thể chế để thực hiện.
Vậy giải pháp tổng thể cho việc di dời các trường ĐH, theo ông, có thể bắt đầu từ đâu?
Thứ nhất, đây phải là chủ trương lớn của Chính phủ, chứ không phải của Bộ Giáo dục, cũng không phải của Hà Nội. Chủ trương của Chính phủ dựa trên đề xuất chương trình gồm nhiều dự án. Ai được thảo cái này? Chính phủ có thể giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án này kết hợp với UBND thành phố Hà Nội xem xét và triển khai. Các trường Đại học đề xuất yêu cầu lên.
Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo việc quy hoạch nơi nào ra làm sao, ở đâu. UBND thành phố Hà Nội sẽ có trách nhiệm tạo quỹ đất, tài chính từ yêu cầu của các trường Đại học (tất nhiên yêu cầu này đã được phê duyệt) với tiến độ một trình tự trường nào ra trước, ra sau...
Nếu có một cuộc thảo luận nào đó về dự án này cụ thể, chúng tôi sẽ tham gia chi tiết. Tóm lại, đây phải là một chủ trương kéo dài trong một khoảng thời gian dài chứ không chỉ một sớm một chiều.
(Theo Tuanvietnam)