Theo nhận định của T.S KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, vấn đề cấp bách dối với Hà Nội hiện nay là cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ. Để có thể sớm thực hiện được chương trình này, cần hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, thí điểm mô hình “doanh nghiệp cộng đồng”.
Tốc độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại Hà Nội còn chậm
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chương trình phát triển nhà ở nói chung và nhà chung cư nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong trong việc phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố quan trọng trong việc tạo lập cấu trúc đô thị, hình ảnh đô thị. Vấn đề cấp bách đối với Hà Nội hiện nay là công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ.
Chủ trương cải tạo, tái thiết chung cư cũ đã có từ gần 20 năm nay. Chính quyền Hà Nội cũng đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo khoa học và ban hành các văn bản pháp quy; nhiều chế độ, chính sách cũng đã được đề xuất và tổ chức thực hiện, tuy nhiên kết quả thực hiện được vẫn chưa đạt kế hoạch mong muốn đề ra.
Vì vậy, rất cần đổi mới về cơ chế, chính sách, xây dựng mới mô hình, giải pháp quy hoạch để có bước "đột phá" trong công tác này.
Thực tế, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 1579 chung cư cũ từ 2-5 tầng tập trung tại 76 khu với gần 1300 nhà chung cư, trong đó, 4 quận nội thành cũ có tới 972 nhà chung cư cũ.
Trong số chung cư nêu trên, có 856 nhà là xây gạch, 273 nhà lắp ghép, 193 nhà là khung bê tông (theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội). Thực trạng này đã tác động nhiều đến cấu trúc đô thị, hình ảnh, kiến trúc cảnh quan, lối sống, áp lực đến kết cấu hạ tầng của lõi đô thị trung tâm Hà Nội
Từ thực tiễn trên cho thấy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác này như: Phần lớn các khu chung cư cũ tập trung trong khu vực nội đô, nơi có mật độ dân số cao, cần giảm tải áp lực về hạ tầng, giảm dân số. Những vướng mắc này không chỉ do sự phát triển tự nhiên mà còn là do lịch sử để lại từ cơ chế, chính sách;
Cũng theo ông Nghiêm, cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng của các chung cư cũ cũng chưa thỏa đáng. Trong khi đó, người dân vẫn chưa nhận thức được đầy đủ quyền cũng như trách nhiệm của mình.
Trình tự triển khai các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ rất phức tạp, chưa xác định rõ yêu cầu, chưa xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư với xã hội, chưa xác định đủ cơ chế để tạo điều kiện trong đầu tư xây dựng cho doanh nghiệp.
Ông Nghiêm đề xuất chính quyền TP. Hà Nội cần tổ chức xây dựng nhiệm vụ thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng rộng rãi. Thiết kế cần phân loại các chung cư hiện nay, căn cứ theo diện tích, lợi thế, quy mô dân số để xác định được các chỉ tiêu kỹ thuật đặc thù. Ngoài ra, cần thí điểm mô hình “doanh nghiệp cộng đồng” với sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh, để hoạt động xã hội hóa đạt hiệu quả cao.
Tất cả các quy hoạch cần được lập và công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư tại khu vực quy hoạch và các cơ quan, đơn vị… Từ đó, thẩm định phê duyệt có tính đến cân đối, hài hòa lợi ích nhà đầu tư. Khi triển khai cải tạo, xây dựng mới, phải ưu tiên nhà xuống cấp nguy hiểm trước. “Nên hình thành đơn vị quản lý chuyên trách về công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ”, ông Nghiêm nói.