Lĩnh vực bất động sản (BĐS) đón nhận 1,82 tỷ USD tăng thêm và cấp mới trong 8 tháng đầu năm 2015, hiện vẫn duy trì vị trí thứ 2 trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch & đầu tư đã công bố tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 8 tháng đầu năm nay và tháng 8/2015.
Trong đó, lĩnh vực BĐS vẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh mẽ. Hiện tổng số vốn tăng thêm và đăng ký cấp mới đầu tư vào Việt Nam là 13,33 tỷ USD thì lĩnh vực BĐS đã chiếm 13,7% với 18 dự án đăng ký mới và 7 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm và đăng ký cấp mới là 1,82 tỷ USD. Theo sau là lĩnh vực bán buôn bán lẻ.
Ngành BĐS đã thu hút được 1,82 tỷ USD tăng thêm và cấp mới trong 8
tháng đầu năm 2015
Không ít dự án trong 18 dự án BĐS đó có số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Điển hình như Dự án Empire City (Thủ Thiêm) với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD của Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương. Liên doanh giữa Công ty TNHH BĐS Trần Thái Liên và Công ty cổ phần BĐS Tiến Phước với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Anh).
Anh là quốc gia đứng vị trí thứ 2 với việc chiếm 9,39% tổng vốn đầu tư cùng số vốn tương 1,25 tỷ USD tại dự án này. Dẫn đầu là Hàn Quốc với tổng số vốn tăng thêm và đăng ký cấp mới chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam, tương đương 5,26 tỷ USD.
Thứ đến là Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tại Khu công nghiệp Đồng Nai được đầu tư bởi nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ có tổng vốn lên tới 660 triệu USD. Sản xuất và gia công các loại sợi là mục tiêu của dự án này.
Cũng phải kể đến Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp do BritishVirginIslands làm chủ đầu tư với tổng vốn 300 triệu USD.
Ngoài ra còn có Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam cũng được đổ vào 3 tỷ USD. Được biết, số vốn ban đầu của dự án khi mới được cấp phép năm 2014 là 1 tỷ USD. Công trình này được đầu tư tại KCN Yên Phong 1 (Bắc Ninh) với mục tiêu lắp ráp, gia công, sản xuất, tiếp thị và bán các loại màn hình.