TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, nếu đến năm 2020 chúng ta tăng gấp đôi các chỉ tiêu về du lịch thì với nguồn cung từ các dự án BĐS nghỉ dưỡng hiện nay sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Rõ ràng, cơ hội cho BĐS du lịch - nghỉ dưỡng là vô cùng lớn, việc phát triển các dự án du lịch là vô cùng đúng đắn.
|
Không có chuyện thừa nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng |
Trước các ý kiến trái chiều về việc bùng nổ các dự án BĐS nghỉ dưỡng, TS. Trần Ngọc Quang khẳng định Việt Nam có lợi thế rất đặc biệt, việc phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng ngay từ thời điểm hiện tại là một hướng đi đúng đắn.
"Cách đây vài năm, chúng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 lượng khách du lịch quốc tế phải đạt 10 triệu khách, khách nội địa là 45-48 triệu khách. Tuy nhiên, chỉ ngay trong năm 2016 chúng ta đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 48 triệu lượt khách du lịch nội địa. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay thì rõ ràng chúng ta đang cần một lượng rất lớn phòng khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cho nhu cầu này", ông Quang cho biết.
Ông Quan cũng cho hay: "Trong kỳ nghỉ 30/4-1/5 vừa qua, có rất nhiều điểm du lịch đông nghịt khách, nhiều khách không thể thuê được phòng. Nếu như đến năm 2020 chúng ta tăng gấp đôi các chỉ tiêu về du lịch thì với nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng hiện nay sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Rõ ràng, cơ hội cho BĐS du lịch - nghỉ dưỡng là vô cùng lớn, việc phát triển các dự án du lịch là vô cùng đúng đắn".
Có chung quan điểm nêu trên, ông Lương Hoài Nam, Phó TGĐ Công ty CP hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt cho biết: "Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiêu dưới 300 USD và số liệu tại Tp.HCM cho thấy thời gian lưu lại của khách du lịch tại TP chỉ khoảng 3 ngày. Nếu như chúng ta có biện pháp giữ chân khách du lịch ở lại dài hơn 3 ngày thì chắc chắn lượng khách sạn hiện tại sẽ không thể phục vụ đủ cho nhu cầu của khách du lịch".
Ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Điều hành Savills Việt Nam cũng khẳng định: Đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ được kéo dài, dự đoán đến năm 2030 sẽ đạt 18 triệu khách. Tuy số liệu trên là khá ấn tượng, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện mới bằng một nửa so với các điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Malaysia.
"Tuy nhiên, sự chênh lệch này vẫn thể hiện tiềm năng lớn khi lượng khách du lịch quốc tế hiện đã tăng gấp 3 lần trong thập niên vừa qua. Số liệu trên góp phần khẳng định thêm sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, trở thành điểm đến du lịch nổi bật trong khu vực Đông Nam Á", ông Troy Griffiths nhận định.
Trên thực tế, hiện nay các dự án BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang là vùng trũng thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư bởi cam kết lợi nhuận khá hấp dẫn.
Đà Nẵng và Nha Trang đang là 2 địa phương có lượng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng tăng mạnh. Ngoài ra, BĐS nghỉ dưỡng núi cũng đang là tâm điểm mới được các nhà đầu tư ngắm đến. Cơn sốt BĐS Sapa là minh chứng rõ rệt nhất cho nhận định trên.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong vài năm tới, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục sôi động. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu của Việt Nam dang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, có triển vọng tăng từ 12 triệu (thống kê năm 2012) lên 33 triệu người vào năm 2020, đây sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ, giúp thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Chính vì vậy, "không có chuyện thừa cung BĐS nghỉ dưỡng", ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã khẳng định.