Thông tin Bộ Tài chính chuẩn bị thanh tra 60 doanh nghiệp BĐS khiến không ít người mua nhà lo lắng. Người đã nhận nhà và dọn vào ở thì lo sợ không được cấp “sổ đỏ”, người đang chờ nhận nhà thì muốn rút lại tiền không mua nữa.
60 dự án BĐS có tên trong danh sách các dự án bị thanh tra
Nhiều ngày qua, thông tin Bộ Tài chính gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng thanh tra 60 dự án chuyển đổi "đất vàng" từ các doanh nghiệp cổ phần hoá đã khiến cả những người mua nhà và doanh nghiệp BĐS đều lo lắng. Trong bảng danh sách các dự án nợ tiền sử dụng đất, nhiều nhất là các dự án ở Hà Nội và Tp.HCM.
Chị Bích Quyên, một khách hàng mua căn hộ tại dự án Capital Garden 102 Trường Chinh (quận Thanh Xuân - Hà Nội) do Công ty CP Kinh đô làm chủ đầu tư lo lắng: “Đọc bảng danh sách đó thấy có tên dự án này khiến tôi và cư dân rất lo lắng. Dù chúng tôi đã nhận nhà nhưng nếu dự án bị thanh tra và phát hiện ra sai phạm thì liệu chủ đầu tư có đủ điều kiện làm sổ đỏ cho người dân hay không. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà. Chúng tôi sợ dọn vào ở rồi lại bị đuổi ra như một số dự án chung cư khác”.
Cùng lo lắng trên là những khách hàng mua căn hộ tại dự án Hanoi Center Point (hay còn gọi là Hacinco Complex), quận Thanh Xuân. Anh Thanh Minh, một khách hàng mua nhà tại dự án chia sẻ: “Dự án trên đang bàn giao căn hộ và đã đưa vào kinh doanh tầng thương mại nhưng tôi vẫn sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình mình. Lúc mua nhà, tôi chọn lựa cũng chỉ qua lời giới thiệu của sàn giao dịch BĐS chứ không tìm hiểu kỹ các thông tin về dự án, không biết chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay chưa và khi bị thanh tra, chủ đầu tư còn vi phạm lỗi gì hay không”.
Trong khi đó, chủ đầu tư một dự án BĐS tại quận 4, Tp.HCM vừa phải gửi thư cho khách hàng để phân bua về việc họ có tên trong danh sách nêu trên. “Dự án đang thực hiện đảm bảo tiến độ tốt. Trước đây, đất tại dự án thuộc sở hữu của công ty khác, chúng tôi đã làm thủ tục chuyển nhượng dự án và bên bán đã thực hiện nộp số tiền sử dụng đất cho nhà nước. Mấy ngày này, chúng tôi nhận điện thoại liên tục của khách hàng nên để khách hàng yên tâm, chúng tôi đã phải gửi công văn giải thích kèm theo các văn bản pháp lý của dự án”, vị giám đốc này chia sẻ.
Do lo ngại trước kiến nghị của Bộ Tài chính về việc thanh tra và tạm thời đình chỉ thi công đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm TP lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá, Hiệp hội BĐS Tp.HCM vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án với điều kiện chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra để hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án, để các chủ đầu tư yên tâm triển khai dự án trong thời gian chờ công bố kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, hiện tổ chức nhận thấy nhiều dự án BĐS đã hoàn thành, người dân sinh sống ổn định, có những dự án BĐS đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư... Vì vậy, cần có giải pháp xử lý phù hợp nhằm đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật.
“Xác định giá đất sát với giá thị trường, không làm thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người mua nhà”, ông Châu nói.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Luật Hà Việt, theo nguyên tắc thì người mua nhà chỉ cần thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Việc thanh tra các dự án BĐS theo chỉ đạo của cơ quan quản lý là làm rõ việc sử dụng quỹ đất công của nhà nước, tức là giữa đơn vị sở hữu trước đây là doanh nghiệp Nhà nước với các chủ đầu tư hiện tại. Còn đối với người mua là bên thứ 3 thì sẽ được luật và cơ quan quản lý bảo vệ quyền lợi. Người mua nhà không nên lo lắng vì mua dự án thì chỉ cần quan tâm đến việc dự án đã được phép bán hàng được công khai trên Sở Xây dựng hay chưa. Mọi thủ tục pháp lý còn lại là việc của chủ đầu tư và nhà nước.
Ông Luân cho rằng, nếu như sau khi công bố kết luận thanh tra mà dự án BĐS nào đó có vấn đề, cơ quan chức năng cũng nên công bố những dự án nào bị đình chỉ, không được phép bán nhà nữa trên Sở Xây dựng TP. Lúc này người dân tiếp tục mua mới bị ảnh hưởng đến quyền lợi còn mua từ thời điểm trước đó rồi thì trong mọi hoàn cảnh phải được bảo đảm quyền lợi. Như lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cũng đã nói rằng: "không được phép dùng khách hàng làm con tin cho các sai phạm của chủ đầu tư dự án".