Theo danh sách các thành phố trọng tâm về đầu tư văn phòng trên thế giới do Savills và Deakin University xây dựng, 2 thành phố lớn của Việt Nam là Tp.HCM và Hà Nội được đánh giá là một trong những thị trường có mức lợi suất văn phòng cao nhất lần lượt đạt 9.3% và 9%.
Dữ liệu từ báo cáo phân bổ lợi suất văn phòng thế giới đã tiến hành so sánh 43 thành phố trên khắp châu Á, châu Âu, Mỹ và Úc cho thấy, Sydney là thị trường có lợi suất đầu tư văn phòng hấp dẫn nhất (5,62%). Theo sau là 2 thành phố Tây Los Angeles (LA West) và San Francisco (4.5%).
Trong số 43 thành phố khảo sát, khu phía Tây London (London’s West End) đạt 2.8%. Đây là thành phố duy nhất ghi nhận tổng mức lợi suất gần 3% bên cạnh Hong Kong (2,7%). Tp.HCM và Hà Nội lần lượt đạt 9.3% và 9%, được đánh giá là một trong những thị trường có mức lợi suất cao nhất. Tuy vậy mức lợi suất này cũng phản ánh những rủi ro đầu tư lớn hơn.
Thị trường văn phòng Việt Nam sôi động hơn sau khi hàng loạt
các Hiệp định thương mại được ký kết
Các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các bất động sản văn phòng có vị trí tốt ở Việt Nam, đặc biệt là Tp.HCM. Kể từ năm 2015 đến nay, giá thuê và công suất cho thuê của các tòa nhà văn phòng được cải thiện. Các tòa nhà văn phòng hạng A có chất lượng tốt, vị trí đắc địa có công suất cho thuê cao đã tạo nên sự khan hiếm của thị trường. Gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tương tự và chấp nhận tỷ suất sinh lợi dưới mức 8% nhưng thị trường vẫn rất hạn chế các tài sản phù hợp.
Ông Tony Crabb, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Úc cho biết lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm trung bình 50 điểm cơ bản trên khắp thế giới trong 6 tháng vừa qua, đạt mức 1%. Nhật Bản và Đức hiện là 2 thị trường đang có mức lợi suất âm. Lợi suất BĐS tiếp tục giữ vững nhưng lợi suất trái phiếu đang giảm mạnh hơn. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nhìn nhận phần bù rủi ro từ 2 -3% ở hầu hết các thị trường đầu tư văn phòng.
Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Úc đánh giá rằng, với tình trạng kinh tế bất ổn còn tồn tại ở hầu hết các thị trường trên thế giới, hoàn toàn hợp lý khi cho rằng thị trường văn phòng sẽ tiếp tục mang lại giá trị bù trừ rủi ro tốt nên sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhu cầu đầu tư hơn, nhờ vậy sẽ ổn định hơn nữa lợi suất văn phòng. Triển vọng về lợi suất của thị trường văn phòng có khả năng sẽ phải chịu sức ép lớn hơn, đặc biệt tại những thành phố trọng tâm như Sydney - nơi sự phát triển của các yếu tố căn bản đang bắt đầu tác động đến sự tăng trưởng của thị trường cho thuê.
Châu Á là thị trường có diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư châu Á vẫn thể hiện sự ngần ngại trong việc chấp nhận rủi ro tại những thị trường nước ngoài trong khi khối lượng giao dịch nội địa chịu tác động bởi chu kỳ thị trường địa phương và định hướng chính sách. Lợi suất đã tương đối ổn định trên hầu hết các thị trường văn phòng lớn trong khu vực ngoại trừ thị trường Jakarta và Manila có sự giảm giá rõ rệt hơn. Tại Nhật Bản, chi phí cho vay siêu thấp tiếp tục hỗ trợ cho mức lợi suất tối thiểu là 3%, kể cả đối với các bất động sản cao cấp. Trong khi đó, ở Trung Quốc, thị trường đầu tư khá yên ắng trong nửa đầu năm 2016 có thể sẽ trở nên sôi động hơn khi cơ hội tạo thu nhập hạn chế sẽ dẫn đến tỷ trọng đầu tư lớn hơn.