Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, các chỉ số
vĩ mô dần cải thiện mới chỉ khiến người mua bắt đầu cân nhắc, chứ chưa hành
động.
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, các chỉ số vĩ mô dần cải thiện mới chỉ khiến người mua bắt đầu cân nhắc, chứ chưa hành động.
Tại buổi trao đổi về thị trường mới đây của CBRE VN, ông Marc Townsend nhận định, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Chu kỳ tất yếu của thị trường bất động sản sẽ luôn tạo ra thành công và thất bại. Trước đây, nhiều dự án yếu kém đã được hưởng lợi từ thị trường sôi động nhưng trong tình hình hiện nay thị trường không còn chấp nhận.
CBRE Việt Nam cho rằng các yếu tố vĩ mô dần cải thiện cuối cùng đã khiến người mua nhà bắt đầu tìm hiểu thị trường để tìm kiếm cơ hội, thể hiện qua số lượt khách hỏi mua nhà tăng. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng giao dịch thành công vẫn chưa tăng lên rõ nét.
Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Ông Marc Townsend nhận định: “Rõ ràng việc mua tài sản nhà ở, cho dù là để đầu tư hay để ở, cũng đều là một quyết định quan trọng và đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn. Do vậy, chúng tôi nhận thấy hiện tại khách hàng vẫn đang cân nhắc mà chưa thực sự mua nhà. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng tăng lượt khách hỏi mua này sẽ khiến số lượng giao dịch thành công tăng rõ nét vào khoảng thời điểm chuyển giao hai năm, nếu như nền kinh tế tiếp tục bước tiến hiện tại”.
CBRE VN đã ghi nhận số lượng đơn đăng ký vay mua nhà tăng đột biến tại một ngân hàng khảo sát kể từ Tháng 3/2012, cũng là thời điểm trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh từ mức 14% xuống 13%.
Giống như các mảng thị trường bất động sản khác, thị trường nhà ở cũng hoạt động theo chu kỳ. Trong chu kỳ gần đây nhất, lạm phát đạt đỉnh vào giữa năm 2008 và chạm đáy khoảng giữa năm 2009, sau đó thị trường hồi phục vào cuối năm 2009. Chu kỳ hiện tại có nhiều nét tương đồng, khi lạm phát đạt đỉnh vào giữa năm 2011 và lập đáy mới khoảng giữa năm 2012. Nếu như lịch sự lặp lại, thị trường có thể phục hồi vào khoảng cuối 2012 hoặc đầu 2013.
Ông Marc Townsend cũng đưa ra những nhận định cho các phân khúc như văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại và khách sạn.
Thị trường văn phòng Hà Nội vẫn đang chuyển mình, tiếp tục phân hóa trên hai khu vực chính: khu trung tâm và khu phía Tây. Giá thuê ở khu vực phía Tây sẽ tiếp tục giảm nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy, trong khi chủ đầu tư của các dự án ở trung tâm sẽ không cạnh tranh bằng giá thuê. Điều này sẽ khiến mức chênh lệch giá thuê giữa hai khu vực ngày càng nới rộng.
Đối với trung tâm thương mại, mặc dù Việt Nam bị loại ra khỏi danh sách Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với các thị trường châu Á khác kết hợp với dân số tăng trưởng mạnh và nhu cầu cải thiện đời sống cao. Các chủ đầu tư cần cân nhắc giữa việc tiếp tục hay dừng xây dựng trung tâm thương mại. Cũng có thể việc dừng xây dựng tại một số trung tâm thương mại có thể là một chiến lược sai lầm.
Còn thị trường khách sạn đang có sự cạnh tranh quyết liệt với những khó khăn từ nền kinh tế thế giới, lượng khách sụt giảm đặc biệt là những khách sạn hạng sang.
H.N