Báo cáo quý 4/2010 của Savills Việt Nam cho thấy, mặt bằng bán lẻ vẫn là một điểm sáng trên thị trường bất động sản cả ở Hà Nội và TPHCM.
Báo cáo quý 4/2010 của Savills Việt Nam cho thấy, mặt bằng bán lẻ vẫn là một điểm sáng trên thị trường bất động sản cả ở Hà Nội và TPHCM.
Theo Savills, tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 6 trung tâm bách hóa, 20 trung tâm mua sắm, 6 khu bán lẻ khối đế, 58 siêu thị và 3 siêu thị bán sỉ với tổng diện tích khoảng 625.450 m2, tăng 27% so với năm trước.
Giá thuê trung bình của toàn thị trường giảm 11% so với năm trước, ở mức 74 USD/ m2/ tháng, ảnh hưởng bởi giá thuê giảm tại khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, thị trường dường như vẫn hoạt động tốt với công suất thuê trung bình trên 90%.
Khu trung tâm vẫn được các nhà đầu tư và các nhà bán lẻ quan tâm hàng đầu, tuy nhiên diện tích đất trống tại khu vực này giới hạn và giá đất cao, khiến nguồn cung bán lẻ hiện tại tại khu trung tâm thấp nhất toàn thành phố.
Trong vòng 5 năm tới, dự kiến thị trường bán lẻ tại TP.HCM sẽ có thêm khoảng 800.000 m2 nguồn cung mới. Nguồn cung tương lại chủ yếu sẽ tập trung tại Quận 1 (chiếm 19%), Quận 2 (10%) và Quận 7 (khoảng 37% tổng nguồn cung).
Tại Hà Nội, báo cáo của Savills cho thấy, tổng diện tích bán lẻ trên thị trường khoảng 430.000 m2 từ 130 dự án, bao gồm 13 trung tâm thương mại/ trung tâm bách hóa/ đại siêu thị, 67 siêu thị, 34 siêu thị điện máy, 2 siêu thị bán sỉ và 14 khối đế bán lẻ.
Công suất thuê trung bình của cả thị trường đạt 93%, chỉ giảm 1% so với quý 3/2010. Giá thuê mặt bằng bán lẻ dao động từ 6USD đến 185USD/ m2. Khối đế bán lẻ trong khu vực trung tâm thành phố luôn đạt mức giá cao nhất.
Trong năm 2010, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn Hà Nội tăng khoảng 30%, trong đó doanh thu bán lẻ tăng 31% (chưa bao gồm 22% tăng giá). Hà Nội là trung tâm bán sỉ của cả miền bắc với mức doanh thu chiếm gần 80% tổng doanh thu bán lẻ.
Theo Savills dự đoán, nhu cầu về bán lẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trong năm 2011 do các yếu tố tích cực như: sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, thu nhập tăng, mức thu nhập sau thuế cao hơn, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao, dân số trẻ và tốc đô thị hóa cao.
Nguồn cầu cho diện tích bán lẻ tại khu trung tâm vẫn rất cao, khi tập trung ngày càng nhiều thương hiệu nước ngoài cao cấp và đạt được doanh thu cao do thu hút lượng khách Hà Nội và TP.HCM mua sắm và khách du lịch lớn. Đối với các quận ngoại thành, mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày được hấp thụ tốt hơn.
Tìm kiếm diện tích bán lẻ tại các khối đế bán lẻ ở các tòa nhà chung cư cũng đang là xu hướng mới, vì ngày càng khó khăn để tìm được một vị trí đẹp trong thành phố.
Triển vọng thị trường
Savills dự kiến, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ có thêm một nguồn cung lớn từ 150 dự án trong tương lai. Trong năm 2011, 12 dự án sẽ gia nhập thị trường Hà Nội với 116.000 m2.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong quý 1/2011 dự kiến sẽ có thêm ít nhất ba trung tâm bán lẻ đi vào hoạt động: The Crescent, Bitexco Financial Tower, và The Manor Giai đoạn 2, cung cấp khoảng 36.000 m2 diện tích bán lẻ ra thị trường.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất tiềm năng. Xu hướng tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam cho thấy có nhu cầu lớn đối với các thương hiệu cao cấp, các cửa hàng nhượng quyền quốc tế và hàng hóa nội địa chất lượng cao, do kinh tế tăng trưởng mạnh, dân số trẻ, hành vi tiêu dùng thay đổi, và sự giàu có ngày càng gia tăng.
Theo Troy Griffiths, Giám đốc Toàn quốc, Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Công ty Savills Việt Nam, phân khúc bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển do tăng trưởng bán lẻ cao và lực lượng dân số tiêu dùng đông. Nhiều hình thức bán lẻ mới đã xuất hiện từ kênh phân phối và giao nhận cho đến các khái niệm mua sắm mới.
Năm 2011 sẽ là một năm sôi động cho thị trường bán lẻ vì các nhà bán lẻ sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí của người tiêu dùng bên trong các trung tâm mua sắm.
Duy Khánh