Với mức giá 34 triệu đồng/m2/năm, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại quận trung tâm Tp. HCM đang cao hơn so với nhiều thành phố lớn như Dubai, Doha, Bangkok, Manila...
Công ty Tư vấn Bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield vừa công bố báo cáo "Main Streets Across the World 2015" (Các con đường đắt đỏ nhất Thế giới năm 2015). Báo cáo chỉ ra hơn 500 con đường mua sắm hàng đầu thế giới và xếp loại chúng theo giá thuê. Đây là lần thứ 27 tổ chức tư vấn thực hiện báo cáo này.
Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, dù trong năm qua có nhiều bất ổn toàn cầu nhưng giá thuê trung bình tại các con đường vẫn tăng 35%.
Cushman & Wakefield cũng lựa chọn ở mỗi quốc gia một con đường có giá thuê đắt nhất và xếp hạng chúng.
Có tới 65 cái tên góp mặt trong danh sách này. Đứng đầu vẫn là Đại lộ số 5 của New York (Mỹ) với gần 36.000 USD/ m2/ năm. Những cái tên tiếp theo là các phố Cause Bay (Hong Kong - Trung Quốc), Elysees (Paris, Pháp), New Bond Street (London, Anh), Via Montenapoleone (Milan, Italy)...
London, Milan… là những thành phố có giá thuê tăng mạnh nhất trong năm 2015. Trong khi đó, do phải chịu tác động của các cuộc xung đột chính trị, những con đường mua sắm sầm uất ở Nga và Ukraine có giá thuê giảm mạnh.
Mặt bằng cho thuê tại Tp. HCM đắt hơn Dubai
Khu mua sắm cao cấp tại quận trung tâm của Tp. HCM xếp thứ 32 với gần 1.540 USD/m2/năm (xấp xỉ 34 triệu đồng). So với năm ngoái thứ hạng này đã tăng một bậc. Tính riêng trong khu vực châu Á, giá thuê này chỉ rẻ hơn các con phố đắt nhất của Thượng Hải và Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc). Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM cao hơn hẳn một số thành phố lớn như Dubai (UAE), thậm chí gấp rưỡi so với Doha (Qatar)... Nếu so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá thuê tại Tp. HCM cũng đắt hơn tại Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines)...
Đánh giá về thị trường Việt Nam, Cushman & Wakefield cho rằng các nhà bán lẻ trong nước sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì giá thuê mặt bằng đóng vai trò quan trọng thứ 2 (sau địa điểm) trong chiến lược kinh doanh. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hàng loạt hiệp định tự do thương mại như TPP, các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh sẽ đủ khả năng thuê những mặt bằng có vị trí đắc địa nhất thị trường.
“Việt Nam vốn là một thị trường đầy tiềm năng trong chiến lược của nhiều Tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài. Minh chứng là trong thời kỳ 2014 – 2015, bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng chủ đạo của các thương vụ M&A, chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ của Việt Nam", Cushman & Wakefield nhận định.
Theo thống kê của đơn vị này, trong vòng 5 đến 7 năm tới, khoảng 1,5 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ sẽ gia nhập thị trường mặt bằng bán lẻ tại Tp. HCM, nâng tổng số diện tích lên gần 2,5 triệu m2. Thị trường bán lẻ sẽ nhộn nhịp, đặc biệt ở phân khúc bình dân và trung cấp