Không có tiền để tiếp tục triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư giảm giá để bán tháo dự án. Trong khi đó, những nhà đầu tư “lướt sóng” lại mong dự án “chết” vì không đủ tiền đúng tiến độ.
Không có tiền để tiếp tục triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư giảm giá để bán tháo dự án. Trong khi đó, những nhà đầu tư “lướt sóng” lại mong dự án “chết” vì không đủ tiền đúng tiến độ.
Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đến thời điểm này đang đứng ngồi không yên vì trót “trao gửi niềm tin” nhầm vào dự án.
Những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, khi thị trường BĐS Hà Nội đang sôi động, đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng thuộc nhiều dòng vốn khác nhau đổ vào đây tạo nên làn sóng "nhà nhà buôn đất, người người buôn đất", và tạo ra những cơn "sốt" nóng, “sốt ảo” trên thị trường tài chính ngay sau đó.
Và thị trường đã quay ngoắt 180 độ kể từ quý 2 đến nay và rơi vào trạng thái "đóng băng". Trên khắp các trang rao vặt, các website thương mại điện tử tràn ngập thông tin rao bán BĐS với các nội dung: cần bán gấp, giá rẻ nhất thị trường, đầu tư là sinh lời, thanh toán linh hoạt… Làn sóng bán tháo dự án trải từ nam ra bắc với đủ “chiêu” khuyến mãi bán hàng mà người mua dường như vẫn dửng dưng.
Nhưng đối với những dự án còn tiếp tục chạy, nhà đầu tư lo theo một kiểu, với dự án “chết yểu”, “chậm tiến độ”, khách hàng lại mất ăn mất ngủ theo kiểu khác.
Chị Thùy Anh đầu tư tiền vào dự án Usilk City của Tập đoàn Sông Đà Thăng Long với giá hợp đồng góp vốn là 850USD/m2, sau đó chuyển sang hợp đồng mua bán, giá đã “nhảy vọt” lên đến 31 triệu/m2.
Thế nhưng, khi Sông Đà Thăng Long tung chiêu đóng hết tiền để lấy thêm sàn kinh doanh của tòa nhà nhằm huy động vốn, rồi dự án Usilk City nằm bất động nhiều tháng nay, trong khi Tết đến gần và khoản tiền 2 tỷ của gia đình chị nằm im trong dự án, không một đồng lãi, không giao dịch được thì gia đình chị Thùy Anh luôn rơi vào cảnh “cơm chẳng lành, canh không ngọt”.
Một số khách hàng còn "bới lông tìm vết" trong các hợp đồng mua bán để tìm ra kẽ hở, với mong muốn sớm thu hồi lại được những khoản đầu tư đang ngày càng teo tóp theo tốc độ "rơi" của thị trường, như tố cáo chủ đầu tư bán nhà theo giá USD, không thực hiện đúng tiến độ dự án theo cam kết…
Càng gần Tết, tâm lí túng tiền, cần tiền của các nhà đầu tư vừa và nhỏ càng lên cao, tâm lý “ép khách hàng” đóng tiền của các chủ đầu tư dự án bắt đầu trỗi dậy kèm với tâm lý bầy đàn của những khách hàng đi tìm kẽ hở của dự án nhiều hơn khiến cho báo chí lại một phen “nóng rẫy” vì quá nhiều vụ “đấu tranh”, “tố chủ đầu tư”, “ép khách hàng đóng tiền sai hợp đồng” …
Cầu cho dự án “chết yểu” để khỏi mất Tết
Liên tiếp nhận được công văn yêu cầu đóng tiền theo tiến độ dự án, chị Huyền xoay xỏa đủ mọi cách mà không gom đủ số tiền cần đóng cho 3 căn hộ chung cư chị mua đầu cơ tại khu vực quận Cầu Giấy từ năm 2009. Chị Huyền cho biết, thời điểm “vàng”, chị được mời chào bán chênh lệch ít nhất 400 triệu/căn nhưng chị nhất quyết không bán vì tin rằng giá có thể lên. Nhưng đến thời điểm này, chị Huyền không thể bán được một căn nào với giá ngang như giá cũ, chưa nói đến chuyện chị sẵn sàng chịu lỗ cũng không ai hỏi mua.
“Ngân hàng không cho vay tiền để mua nhà, mà có vay được tôi không chịu nổi mức lãi suất như hiện nay. Bí quá tôi đã rao bán cả mấy tháng nay mà chưa có người mua, trong khi tiền để nộp tiến độ không có chủ đầu tư đã nhiều lần thúc giục. Chẳng có cách nào, đành “thi gan” với họ hoặc chỉ mong dự án dừng triển khai thì tốt. Nhưng giờ mình còn phải đóng thêm khoản tiền lãi do đóng chậm tiền thì thật là quá sức. Có khi Tết này chẳng có tiền ăn Tết vì nhà với cửa” - chị Huyền chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư như chị Huyền cũng đang thấp thỏm bởi vì có tiền để nộp theo tiến độ với họ ở thời điểm này là rất khó khăn. Chị Huyền bức xúc “nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi nếu chậm nộp tiền, ngay lập tức họ sẽ bị các chủ đầu tư tính lãi cao trên số tiền nộp chậm. Trong khi đó, chủ đầu tư nếu chậm khởi công hoặc chậm bàn giao dự án, hầu như họ đều không phải chịu trách nhiệm gì với người mua”.
Cách đây 2 năm, việc ôm các dự án theo hình thức “mua nhanh, bán nhanh” rất phổ biến trong giới kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên, đó là khi thị trường đang nóng, cầu về căn hộ chung cư lớn, nên các nhà đầu tư có thể dễ dàng bán dự án trong “một sáng, một chiều” và thu lời hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, thời điểm này, thị trường bất động sản gần như đóng bằng, giao dịch không có, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho nhiều nhà đầu tư trót vung tiền vào quá nhiều dự án đành khóc dở, mếu dở.
Theo một thông tin trong giới nhà đất mới đây, rất nhiều nhà đầu tư phía Bắc đã phải bỏ tiền đặt cọc khi không tham gia mua nền đất, hoặc nhà phố, biệt thự tại Bình Dương, Long An… trong những tháng qua vì không dám mạo hiểm đầu tư, và quan trọng hơn là họ không đủ tiền để “lướt sóng” thị trường.
(Theo Vietnamnet)