Điều 61, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định môi giới BĐS phải có thẻ hành nghề và bằng... cử nhân. Quy định trên được xem là phù hợp với xu hướng chuyên nghiệp hóa ngành dịch vụ môi giới BĐS. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, nếu để nguyên các quy định như hiện tại thì khi luật đi vào thực tế sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Chuyên nghiệp hóa nghề môi giới BĐS
Báo cáo tổng kết thực hiện Luật Kinh doanh BĐS tại Tp HCM gần đây cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong việc quản lý đội ngũ môi giới BĐS. Chất lượng đội ngũ nhân viên môi giới, định giá BĐS chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các nhà môi giới hiện chỉ đứng giữa dắt mối cho người mua người bán gặp nhau để lấy tiền hoa hồng, chưa đưa ra những tư vấn khuyến cáo về pháp lý, tài chính… cho họ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do phần lớn cơ sở đào tạo môi giới, định giá BĐS chỉ đào tạo theo phong trào, chưa chú trọng đến chất lượng đào tạo cũng như “bỏ quên” việc cấp chứng chỉ đào tạo và giấy phép hành nghề môi giới.
Việc quy định bằng cấp cho 1 ngành nghề nào đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy,
nhất là vấn nạn làm giả bằng cấp
Việc áp dụng bằng cấp, chứng chỉ đối với thị trường kinh doanh BĐS là điều không xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Ở Mỹ, để hành nghề môi giới BĐS phải có giấy phép do chính quyền bang cấp, phải trải qua một kì thi kiểm tra gắt gao về kiến thức BĐS cơ bản và luật liên quan đến mua bán địa ốc, ngoài ra phải có kinh nghiệm mua bán BĐS từ 1 đến 3 năm.
Ở Anh, thẻ hành nghề môi giới BĐS được cấp bởi Hiệp hội BĐS. Công ty môi giới phải có giấy phép và có ít nhất một người môi giới trong trung tâm có thẻ hành nghề, đủ tư cách trong việc giao dịch mua bán nhà ở, có trình độ bằng cấp chính thống, hoặc có kinh nghiệm trong ngành BĐS. Chính vì vậy, việc áp dụng thẻ hành nghề và yêu cầu bằng cấp ở nước ta cũng cần được làm quyết liệt hơn nữa nhằm đưa lại sự minh bạch cho thị trường.
Với mong muốn siết chỉnh tình hình, đưa hoạt động môi giới bất động sản vào kỷ cương, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định cá nhân trong nước và nước ngoài hành nghề môi giới BĐS tại Việt Nam phải có thẻ hành nghề môi giới BĐS. Bên cạnh đó, luật còn đưa nội dung yêu cầu bằng cử nhân đối với người môi giới kinh doanh BĐS nhằm mục đích nâng cao trình độ, kỹ năng và đòi hỏi về phẩm chất với người hoạt động trong dịch vụ này.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, chuyên viên môi giới BĐS nhận định, Trong những năm tới, các tập đoàn môi giới quốc tế sẽ ngày càng mở rộng thị trường tại Việt Nam. Trước hoạt động bài bản, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài, bản thân các công ty và người làm môi giới trong nước nếu không tự chuyên nghiệp hóa năng lực và đạo đức nghề nghiệp, thì sớm muộn cũng sẽ bị thị trường đào thải, khách hàng quay lưng. Đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân hành nghề môi giới, vấn đề bằng cấp lúc này có thể vẫn là rào cản và hơi khắc khe nhưng về lâu về dài đây sẽ là tiêu chuẩn đảm bảo cho một ngành môi giới chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh với khối ngoại.
Lấn cấn chuyện trình độ, bằng cấp
Để có được những thành công trong nghề này, một người môi giới phải tích lũy qua nhiều năm làm việc, trải nghiệm thực tế và đôi khi phải có khiếu kinh doanh thì mới thành công. Vấn đề lúc này là phải nhìn vào thực trạng hiện tại để quy định bằng cấp.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia tư vấn BĐS cho các DN nước ngoài tại Tp.HCM, chuyện áp dụng thẻ hành nghề môi giới là quy định hợp lý nhưng bắt buộc môi giới phải có bằng đại học là quá cao, vô hình bắt các môi giới phải cố sống cố chết chạy theo bằng cấp, chỉ nên quy định ở mức trung cấp, cao đẳng hoặc bằng nghề gì đó sẽ thuận tiện và phù hợp hơn cho người làm môi giới.
Cùng quan điểm như trên, một vị giám đốc công ty môi giới BĐS đặt ra câu hỏi:“ Kinh doanh BĐS đòi hỏi có kinh nghiệm, năng lực và đạo đức mà những điều đó đôi khi không thể quy định được bằng 1 tấm bằng cụ thể. Hiện nay đào tạo đại học cũng có nhiều chuyên ngành khác nhau, không phải chuyên ngành nào cũng liên quan, hỗ trợ công việc môi giới BĐS, vậy người muốn làm ngành môi giớ thì nên học ngành nào, trường nào cho phù hợp?Trong khi hàng vạn người đang hoạt động môi giới đều không có bằng cấp, hoặc chỉ là bằng dưới đại học, không lẽ buộc họ phải theo học các lớp kiểu tại chức như với cán bộ công chức để được tiếp tục hành nghề?”.
Nhiều chuyên gia nhận định, quy định bằng cấp cử nhân đối với hoạt động chỉ có tính dịch vụ rộng rãi trong xã hội là yêu cầu quá cao. Việc đào tạo, sát hạch, cấp thẻ hành nghề môi giới cần phải được quy chuẩn dựa theo thực tế thay vì chạy theo bằng cấp, số lượng mà lơ là kiểm soát chất lượng. Hơn nữa yếu tố suy yếu đạo đức của ngành này bắt nguồn từ cái lợi quá lớn mà người hành nghề nhìn thấy, nó không bắt nguồn từ trình độ hay sự hạn chế về kiến thức nên tấm bằng đại học cũng chưa chắc giúp ích được gì.
Theo TS Trần Thanh Hiệp, chuyên gia lâu năm trong ngành BĐS thì việc đưa ra quy định mới cần có khảo sát, đánh giá, xem bằng cấp tác động như thế nào đến hiệu quả của công việc môi giới trên thực tế? Ở các quốc gia tiên tiến, có hoạt động môi giới bất động sản chuyên nghiệp như Thụy Điển, Hàn Quốc, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chỉ cần có bằng tốt nghiệp từ phổ thông trung học trở lên, hay có thể trở thành chuyên gia môi giới bất động sản bằng kinh nghiệp tích lũy thực tế. Trong điều kiện nước ta, dịch vụ môi giới BĐS phát triển đa dạng và những vụ vi phạm pháp luật lại không phải do nhận thức kém, không phải do trình độ kém,vậy nên vận dụng bằng cấp mang tính bắt buộc có khả thi hay không lại là vấn đề khác.
Ba năm gần đây, vị thế bán hàng của các công ty môi giới BĐS quốc tế đang ngày càng mạnh mẽ.Chuyên nghiệp hóa là vần đề sớm muộn của các công ty và cá nhân làm môi giới trong nước phải hướng đến. Không chỉ chuyên nghiệp trong quản lý, môi giới BĐS còn phải chuyên nghiệp trong đạo đức, tác phong để nghề này trở thành một ngành nghề chính thống, thoát khỏi hai từ “ cò đất”.
Theo Batdongsan.com.vn