Từ đầu năm đến nay, phân khúc chung cư giá rẻ đang tạo được sóng trên thị trường BĐS. Theo đó, môi giới cũng chuyển hẳn sang "sống" nhờ nguồn sinh khí này. Trong khi đó, nhà đất thổ cư vẫn được xem là thị trường tiềm năng lại được rất ít môi giới quan tâm.
Với một hợp đồng giao dịch thành công, bên cạnh việc nhận được một khoản hhoa hồng theo hợp đồng thì người môi giới còn có thêm khoản tiền "lộc" từ phía chủ nhà. Đây là một khoản không nhỏ, giao động từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, tùy vào từng nhà chủ. Tuy nhiên, vị trí của người kết nối cung - cầu này đang dần bị mất vế.
Những buồn tủi của môi giới nhà đất thổ cư
Đảm bảo thông suốt cung - cầu và chắc chắn về hoa hồng được hưởng sau mỗi thương vụ thành công là nguyên tắc cốt lõi của một môi giới bất động sản (BĐS).
Đối với môi giới thuộc phân khúc chung cư thương mại hay liền kề, vấn đề "phần trăm" hoa hồng thực sự không khiến họ phải quá lo lắng. Bởi thời điểm từ giữa năm 2014, lượng cung của thị trường này khá lớn, phong phú, đa dạng về diện tích và giá cả, rất dễ khớp với nguồn cầu ngày cao của khách hàng.
Một số sàn giao dịch thuộc khu vực Trung Yên - Trung Kính, Cầu Giấy phấn khởi cho biết, nếu chịu khó chăm sóc tốt, thương thuyết giá chào bán hoặc chào thuê sản phẩm chung cư khéo léo một chút là họ có thể “sống khỏe” tới hết năm nay.
Tuy nhiên, môi giới cũng cần phải nắm rõ, nắm chắc pháp lý, thủ tục hành chính, công cụ tài chính để tránh tình trạng bị "quỵt" phần hoa hồng. Thực tế trên địa bàn Hà Nội, chuyện môi giới kiện chủ BĐS “quỵt” tiền hoa hồng theo hợp đồng chưa từng xảy ra, nhưng lại có rất nhiều môi giới nhà đất thổ cư khổ công "chăm bẵm" ròng rã nhiều tháng trời cuối cùng lại bị “gạt” khỏi thương vụ.
Liệu có bán được nhà với những kiểu quảng cáo "rác trời" này không?
Sở dĩ có điều này xả ra là vì nhà đất thổ cư có đặc thù là giá thành cao, những sản phẩm có đầy đủ giấy tờ pháp lý rất dễ có thanh khoản. Tuy nhiên, cả chủ và người mua đất đều cùng chung tâm lý không muốn mất khoản tiền khá lớn cho phía chung gian nên hai bên sẵn sàng thỏa thuận với nhau khi thấy điều kiện phù hợp.
Đối với những nguồn hàng nhận được sự quan tâm lớn từ phía khách hàng như cơ sở pháp lý rõ ràng, hạ tầng ổn, vị trí đẹp, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng, môi giới luôn luôn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đồng nghiệp.
Chị Lan Anh, một môi giới chuyên về đất thổ cư, đất nông nghiệp dịch vụ tại phía Đông Hà Nội chia sẻ: Sau 6 tháng cật lực tìm khách cho căn thổ cư 40m2, xây 3 tầng ở Trung Văn (Từ Liêm) có giá 2.4 tỷ đồng với mức phí hoa hồng 2% (48 triệu đồng), chị đã tìm được khách hàng có nhu cầu thực. Tuy nhiên, tới lúc 3 bên gặp mặt kí hợp đồng thì chị bị cả bên mua và bên bán từ chối giao dịch. Song qua tìm hiểu, chị biết được thông tin họ đã tự thỏa thuận mua bán với nhau qua hợp đồng chỉ sau khi gặp mặt 1 tháng. Chị ngậm ngùi chua xót trước công sức và tiền của mình bỏ ra để tìm khách và tư vấn nhưng chẳng biết kêu ai để đòi lại công bằng.
Cũng là một môi giới của phân khúc thổ cư, anh Toàn Thắng, một môi giới thuộc quận Đống Đa cũng chua xót kể: Một khách hàng có nhu cầu mua thổ cư trong quận Hà Đông, diện tích trên 40m2, giá cả không quan trọng và sẵn sàng chi thêm tiền bồi dưỡng 50 triệu đồng nếu mua được nhà Tây tứ trạch. Sau 3 tháng tìm kiếm, anh đã tìm được căn nhà theo đúng ý khách hàng, Nhưng cuối cùng anh lại không chốt được thương vụ vì vị khách đã chạy theo lời mời "không cần tiền hoa hồng" của một môi giới khác.
“Khan hiếm” nhân lực môi giới
Môi giới nhà đất thổ cư ngày càng trở nên khan hiếm bởi những thành kiến ngày càng lớn của người mua lần người bán sản phẩm này. Thậm chí, có những môi giới còn bị chủ nhà “dằn mặt” vì đòi hoa hồng quá dai dẳng, nhiều cá nhân làm nghề dịch vụ địa ốc đã phải bỏ hẳn món hàng thổ cư.
Nhìn chung, có nhiều lý do để những chủ sở hữu BĐS cần bán cũng như người săn tìm cơ hội thổ cư ở Hà Nội loại bỏ yếu tố trung gian trong giao dịch.
Trước hết, đó là do dư luận đã có những cái nhìn quá nghiệt ngã với những người hành nghề môi giới. Dư luận cho rằng, họ không mất công sức gì, chỉ "khua môi múa mép" đã có được ngay một khoản hời, trong khi nếu cứ để nhà đất đó kiểu gì cũng có người mua, hoặc chịu khó tìm kiếm kiểu gì cũng mua được nhà đất ưng ý. Như vậy, số tiền hoa hồng mà bên mua - bán bỏ ra cho trung gian là không xứng. Vì vậy, nhu cầu về người thứ 3 này ngày càng bị giảm đi.
Bên cạnh đó, các chủ nhà đất nghĩ mình có thể dễ dàng tìm được nguồn khách hàng với nhiều hình thức quảng cáo phong phú. Vì vậy, họ đã tận dụng mọi hình thức quảng cáo cho sản phẩm của mình, từ cách hiện đại như sử dụng internet đến cách cổ điển như treo băng rôn, phướn, thậm chí tận dụng cả gốc cây lẫn cột điện ...
Chủ căn nhà 50m2 mặt ngõ lớn tại phường Khương Đình chia sẻ, ông đã tốn rất nhiều tiền để đăng tin khắp mặt báo mạng suốt cả năm nay nhưng vẫn không tìm được khách. Cuối cùng, ông quyết định treo băng rôn dọc đường bờ sông Tô Lịch với hy vọng hiệu quả sẽ cao hơn vì đây là con đường lưu thông đông xe.
Tuy nhiên, theo những nhà môi giới có thâm niêm thì việc treo băng rôn quảng cáo thực chất chỉ là hình thức cầu may. Bởi, những băng rôn này chỉ tồn tại được ít ngày là bị gỡ ngay, đồng thời, tâm lý khách hàng vẫn e dè vì sợ đây chỉ là những thông tin ma.
Một trưởng nhóm môi giới tại Trần Duy Hưng tự tin khẳng định: " Nhà đất thổ cư khó lòng “trôi chảy" nếu không có môi giới.